Monday, December 7, 2009

Gợi Nhớ Giáng Sinh Xưa!


Noel lại đến giữa tuyết đông
Mừng Chúa Giáng Sinh giữa nhân trần
Mỗi lần Thánh Lễ chuông rung đổ
Là lúc lòng em thấy nhớ thêm

Cái thuở thơ ngây thật dịu dàng
Mắt nai ngơ ngác tựa thu sang
Anh người ngoại đạo hay đưa đón
Làm em rộn rã lẫn hoang mang

Anh bước cùng em đến giáo đường
Thiết tha xin Chúa nhủ lòng thương
Cho mình duyên nợ, anh khấn hứa
Mãi mãi cùng em trọn ước nguyền

Thế rồi chiến cuộc lại bùng lên
Đất nước phong ba khắp mọi miền
Giặc cộng tung hoành nơi phố thị
Anh đưa em trốn khỏi oan khiên

Lưu lạc xứ người tay nắm tay
Hôn lễ cùng nhau chẳng một ai
Thánh đường lạc lõng không thân thích
Nước mắt chan hòa em đắng cay

Ngày tháng qua đi giữa xứ người
Con mình hai đứa đẹp xinh tươi
Nhưng lòng em lại bao giông tố
Bởi người bên cạnh lạc hướng đời

Thánh lễ đêm nay em một mình
Bước trong cô lẻ lòng buồn tênh
Mùa đông tuyết phủ đường trơn ướt
Lạnh quá lòng em, anh biết không?...


Nguyễn Thị Tê Hát

Tuesday, November 10, 2009

Mùa Thu Canada


Lâu lắm mới trở lại con phố của riêng mình, con phố nhỏ nhoi khiêm nhường ở một góc nhỏ của con phố không ai biết đến, tưởng đã mất hút sau những biệt thự to lớn, tưởng đâu đã bị những cơn bão cuốn trôi ra biển, nhưng không, tất cả vẫn còn và lần mò mãi mới tìm được, mới lôi lên được...

Lôi lên để bỏ vào thêm những kỷ niệm vừa đi qua, những ngày vừa qua để một lúc nào đó một mình, một phòng, nằm dài nghiền ngẫm những kỷ niệm của mình khi giòng đời bên ngoài cứ từ từ đi, như cái kim đồng hồ vẫn cứ tiếp tục quay qua những con số giờ trên mặt...

Mùa thu Canada, cái đẹp nhìn lá thay màu mà ai cũng nói đến làm nôn nao để rồi những ngày đi vội vã thật ngắn ngủi, chỉ sợ chậm trễ sẽ không còn kịp để thấy cái đẹp thay màu của lá, của mùa thu mà cái cái lạnh đã choán nhiều hơn nắng ấm. Đến nỗi có người nhắc nhở là có đi ngắm lá thu cũng đừng quên ngày về...

Con đường đi lên Montreal, cảnh đẹp như một bức tranh để nôn nao thèm khát mình là họa sĩ để có thể vẽ lên tất cả cái đẹp hai bên đường nhưng trông sao có vẻ lạnh lẽo cô đơn quá, không như cái đẹp nồng ấm rực rỡ của con đường từ Oregon đến Seattle. Những bản nhạc vọng ra như đưa trở về quá khứ của những tháng năm xa xôi nào đó. Hai chị em vồ vập kỷ niệm xưa:

- Chị đã tìm được người bạn cũ

Tôi mừng rỡ kêu lên:

- Oh, làm sao chị tìm được?

Chị tôi nhún vai cười im lặng 1 lúc rồi nói:

- Chị đang tự hỏi là có nên hay không nên liên lạc lại...

Tôi nhí nhảnh:

- Chị không muốn thì đưa e-mail của anh ấy cho em.

Chị tôi quay sang:

- Để làm gì?

- Để phá anh ấy chứ sao?

Đây là lúc trả thù những cái nghịch ngợm báo hại tôi khi xưa, nhưng chị nghiêm mặt:

- Điên, không được đùa...

Thế là tôi cụt hứng, tôi nhớ anh, nhớ cái dáng cao lều khều của anh, nhớ những bài thơ anh làm anh tặng chị... nhớ khung cảnh ngày xưa, nhớ con phố hiền lành, áo trắng ngây thơ ngày nọ... tất cả chìm vào trong ký ức nhỏ nhoi... tiếng hát nhẹ nhàng của Đức Huy với "Linh Hồn Tượng Đá" làm tôi chợt nhớ đến một giọng đọc tôi mà đã nghe trong phòng Ghi Âm ĐT, tôi reo lên:

- Oh, thì ra giống giọng của ca-sĩ Đức Huy, hèn chi khi nghe... thấy quen quen mà không biết đã nghe từ đâu.

Buổi trưa, 2 chị em ghé vào một tiệm ăn gọi Steak, kèm theo "drink" cái mà chị tôi order là "Bloody Cesar" thế là cái "drink" của tôi được mang ra, một ly nước tomato không ngửi thấy mùi rượu, con nhỏ uống một hơi dài vì đang khát nước, chị tôi kêu lên:

- Từ từ, đừng vội

- Đâu có sao, toàn là nước trái cây cà chua không à.

Chị mỉm cười trước cái "khờ" của tôi không nói... 5 phút sau, cái ngầy ngật choáng váng đi về, má tôi đỏ bừng, tôi có cảm tưởng những đôi mắt, những nụ cười diễu cợt đang nhìn mình... đã lại càng hơn... cũng may là bước đi không ngả nghiêng xiêu vẹo.

Đến Montreal, tưởng đâu có thể check-in lúc 3g những mãi đến 4g30 mới đến được Hotel chỉ vì cái xứ lạnh lắm xe cộ mà đường xá lại chật hẹp bởi đón nhiều du khách, đường xá lại toàn là tiếng pháp thành ra cũng mất thì giờ khi tìm nơi mình muốn đến.

Ở đây, gặp được cô bạn nhỏ trên net mà mấy hôm trước còn phân vân không biết có nên gặp hay không? chỉ sợ gặp rồi cô nhỏ sẽ mất hết cảm tình chỉ vì tưởng tượng Nguyễn Thị Tê Hát qua thơ, văn, qua giọng nói... rất may là trước khi đi đã lấy hết can đảm để gọi cho cô nhỏ, cô nhỏ cầm điện thoại quýnh quáng vì mừng làm cảm thấy một chút ấm lòng, một chút yên tâm.

Gặp nhau tưởng như đã biết nhau từ lâu, thân nhau từ lúc nào, không có sự bỡ ngỡ hay dè dặt... Ai bảo những con phố ảo không có tình thân?... Có chứ, nếu chúng ta dùng trái tim chân thật trao cho nhau thì chắc chắn những tình cảm trong sạch, chân thật đậm đà đó sẽ đẹp rất nhiều cho dù chúng ta ở một nơi nào, một góc trời nào đi chăng nữa...

Con đường trở lại Toronto từ tốn hơn, không vội vàng hối hả như khi đi, chuyện xưa trở về nhiều hơn, kỷ niệm cũ của chị đong đầy kỷ niệm cho em nhiều hơn... một chút gì đó xa xôi quá, trí nhớ len lỏi về những ghềnh đá, cù lao xanh, biển xanh với những tên gọi "Sóc Nâu", "Dễ Thương" của một thời nào đó, nhớ đến cả những con đường đi lên cao nguyên của những ngày cuối tuần.

Chuyến bay trở về nằm chờ ở Dallas hơn 2 tiếng chỉ vì bão ở đâu đó nên vài chuyến bay bị đình trệ... Trở về nhà muộn màng hơn dự tính... cái hạnh phúc bỏ lại Toronto với đại gia đình vừa lui lại đàng sau, cái hạnh phúc trở về với cái gia đình bé nhỏ ở trước mặt... Đêm an lành...


Nguyễn Thị Tê Hát

Thu Một Mình


Thời gian thấm thoát đã qua mau
Sao cõi lòng tôi lại cứ sầu
Vẫn thấy trong tim nhiều thổn thức
Khi tình vương vấn một niềm đau

Đất nước rã rời cuộc biến binh
Cho tim dẫy chết một chữ tình
Bởi người ngã ngựa không còn nữa
Nên mãi trong tôi một bóng hình

Sáng nay mờ nhạt ánh thu phai
Hơi ẩm cỏ cây lá rụng đầy
Có con chim lạ từ đâu đến
Ngơ ngác trên cao hót một mình


Nguyễn Thị Tê Hát

Thursday, October 22, 2009

Cuối Đường



Hôm nay, trời sắp sửa vào thu, bầu trời không còn nắng gắt. Đêm hôm qua gió lạnh lùa vào cửa sổ, tấm chăn mỏng không đủ ấm làm trằn trọc suốt đêm, biết thế nhưng vẫn lười biếng trở dậy để đóng cửa sổ... một đêm mất ngủ, thêm một đêm thao thức để tất cả trong một khoảng thời gian nào đó chợt đi về trong ký ức, mang theo những khuôn mặt ngây thơ, nhỏ bé ngày nào, những khuôn mặt đã in đậm trong tâm khảm tôi như một cái mốc của thời gian nơi xứ người.

Mùa tựu trường đã bắt đầu, các học sinh đã bắt đầu trở lại trường học. sáng nay trên đuòng đi làm, hình bóng em trở về trong tâm trí tôi, tôi chợt nhớ em, nhớ đến đôi mắt trong xanh như một vùng biển lặng đã từng làm lòng tôi chao vì xúc động.

Em chỉ là một trong những học trò bé nhỏ của tôi trong lớp học, nhưng ở em tôi thấy em khác hẳn, em cô đơn, em lạc lõng trong cái thế giới cô độc của em, trong giờ ra chơi em thu mình trong một góc nhỏ của sân trường, em đứng, em ngồi lặng câm như một cái bóng cho đến khi vô tình tôi tìm thấy em, tôi kéo em ra khỏi cái góc cạnh của riêng em, tôi đưa em ra khỏi vỏ ốc mặc cảm, sợ hãi của em, em nương theo cánh tay tôi bước nhẹ ra ngoài với đôi mắt sợ sệt, ngơ ngác, để sau đó tôi thấy nụ cười trên môi em, nụ cười hiền lành dễ mến mà nhiều lúc đã làm tôi mềm lòng không nỡ phạt khi em lầm lỗi. Em bé nhỏ quá, nhưng bất công đã đổ ập lên em, sự miệt khinh đã bao trùm lấy em làm lòng tôi đau, làm tôi phẫn nộ khi thấy nước mắt em ẩm ướt trên khuôn mặt xịu buồn vì sự bất công, ích kỷ đã khóa đôi môi xinh của em, không cho em một lời giải thích, phân bày... Nhưng em biết không? tôi chỉ là một cô phụ giáo nên cánh tay tôi không đủ dài để bao phủ em, để giúp em đương đầu với những bất công chung quanh, cũng chỉ tại em nghèo, cái nghèo đã tiêu diệt em, đã hủy hoại tuổi thơ em để tôi đứng đó nhìn em với sự bất lực, xót xa trong lòng, cho dù Tôi, Em, không cùng một màu da, không cùng một ngôn ngữ, cho dù tôi đã phải mượn ngôn ngữ của em để hòa đồng với mọi người chung quanh, để cảm thông nỗi đau khổ của em, để cảm thông cái nghèo nàn tội nghiệp của em và cũng chính cái đau, cái cô đơn của em đã đưa em đến gần tôi để có lúc tôi phải quay đi vội che dấu những giọt lệ sắp sửa rơi xuống má.

Ở đâu cũng có những bất công, cho dù cả nơi học đường. Tôi biết em không có quần áo đẹp để khoe với chúng bạn, em không có tiền để tham dự những sinh hoạt của trường, mẹ em không mang đến trường những chiếc bánh to, những gói kẹo đủ màu nên em mãi mãi lạc lõng trong đám đông bạn bè, để em không bình thường trước những đôi mắt của người lớn, để em phải thèm khát nhìn những viên kẹo ngọt lịm, những cái bánh ngon trên bàn của bạn học chung lớp. Tôi đau lòng khi thấy người ta hất hủi em, người ta tránh né em như một cặn bã của xã hội. Tôi không đành lòng nhìn em đau khổ với nỗi đau khổ không do em tạo nên. Nỗi đau khổ mà trời không hiểu vô tình hay cố ý đà đặt để trên vai em. Tôi kín đáo bỏ tiền vào túi quần em, chỉ có tôi và em biết như một trò chơi bí mật mà những người chung quanh không biết đến, để em được tham gia những chuyến du ngoạn với bạn bè, với những sinh hoạt trong lớp học. Ánh mắt em sáng lên khi em bỏ tay vào túi quần và thấy những đồng tiền trong ấy... Em đến gần tôi hơn, giờ ra chơi em quấn quýt tôi hơn, trên bàn tôi em lén để những tờ giấy nhỏ em vẽ hình trái tim có một mũi tên xuyên ngang với những hàng chữ ngây thơ như :

"Rose is Red, Violet is pupple and I love U"

Những tấm giấy nhỏ em gởi cho tôi mà em đã xé từ cuốn vở với những mảnh giấy không đều nhau vẫn còn nằm trong chồng sách của tôi cho dù đã bao nhiêu năm dài qua đi, vẫn còn đó.

Có một hôm trong giờ ra chơi, em cứ mân mê những ngón tay của tôi nửa như muốn nói, nửa như e-ngại. Một lúc sau như không thể giữ được sự im lặng lâu hơn nên em đã thỏ thẻ:

- Cô ơi! em có cái này đặc biệt và vui lắm.

Tôi ngạc nhiên:

- Ồ vậy hả? Vậy thì Billy nói cho cô nghe đi !

Em dụi đầu vào cánh tay tôi, giọng em cao hơn, vui như chim, em kể:

- Cô biết không? Hôm qua mẹ em cho em cái áo lạnh mới, đẹp lắm.

Tôi tròn mắt:

- Ủa, mẹ có tiền mua cho em hả?

Em ngây thơ kể:

- Dạ không, mẹ lượm được trong thùng rác, còn mới lắm, chỉ rách ở tay một chút xíu thôi.

Tôi nhìn em cố mỉm cười mà lòng tôi đau, bởi tôi biết làm gì có một cái áo đẹp mà lại mới trong thùng rác... tội nghiệp em bé bỏng ngây thơ, tội nghiệp cái nghèo thiếu thốn của em, cho dù tôi biết cái nghèo của em vẫn còn hơn cái nghèo của những em bé VN quê hương tôi nhiều. Em còn may mắn đến trường học, em may mắn còn có một người mẹ để lo cho em, cho dù mẹ em phải đi bươi tìm sự sống qua những thùng rác, nơi những hôi hám mà người đời phế thải... Trong khi các em bé ở quê hương tôi, không có cái ăn, cái mặc, không gia đình, không nơi nương tựa, sống lang thang ở khắp hang cùng ngõ hẻm, đầu đường xó chợ, dùng đất làm giường, lấy bầu trời đêm làm màn... sống nhờ những đống rác hôi thối mà người đi ngang vội vàng bước nhanh đưa tay bịt mũi, tránh né. Những em bé của tôi không có niềm vui, không có cơ hội đến trường như em... Những em bé nghèo nàn của quê hương tôi đã đến tận cùng của sự nghèo khó, cho dù tôi biết cái đau khổ nào, cái miệt khinh nào cũng giống nhau, nhưng cái nghèo khó vẫn khác nhau cho dù khác trên cả những đống rác mà loài người phế thải. Bởi những đống rác mà mẹ em bươi tìm vẫn an lành hơn những đống rác của các em bé VN quê hương tôi, những đống rác đó đôi khi đã vô tình mang theo sự sống bất hạnh khi những trái nổ đã tàn nhãn thản nhiên nằm chờ trong đó.

Ở đây, cuối đường nghèo khó em còn có một mái nhà tạm dừng chân đó là mái nhà Jesus house, em còn có những bữa ăn tạm giúp em qua ngày khốn khổ, nhưng những em bé VN của tôi khi đến cuối đường chỉ là một tấm chiếu rách cuốn tròn mà người ta đã bố thí để rồi sau đó không còn thấy hiện diện ở đâu, cho dù cả những nơi tanh hôi rác rưới.

Hôm nay trên đường lái xe đi làm, không hiểu sao hình ảnh em, hình ảnh lớp học năm nào lại cứ đi về trong tâm trí tôi xen lẫn hình ảnh tội nghiệp của các em bé VN quê tôi... Giòng đời cứ trôi đi không ngừng nghĩ, không biết bây giờ em ra sao? em sống thế nào? Giòng đời có vùi dập xô đẩy em đến cuối đường hay biết đâu em chẳng là một sinh viên thông minh của một trường đại học nào đó, hay là... cái nghèo lại hủy hoại em, đã nhận chìm em xuống tận cùng bùn đen của xã hội?

Đây là lần đầu tiên tôi trải tình cảm của tôi về em, cho dù tôi biết không bao giờ em đọc được, không bao giờ em biết đến... tôi chợt tự hỏi... có bao giờ? có một lần nào em chạnh nghĩ đến tôi? một cô giáo yếu đuối đã đến từ một nước chiến tranh xa xôi nào đó như một ấm áp trong tim?... Tuy tôi - em chúng ta không cùng một chủng tộc, màu da, ngôn ngữ nhưng tình cảm giữa tôi và em đã gặp nhau ở một điểm "tình người" bởi tôi biết trái tim tôi màu đỏ, máu huyết tôi màu đỏ cũng như màu đỏ trái tim em... giòng đời vẫn cứ trôi... tôi và em vẫn cứ phải lăn theo giòng đời... nhưng cho dù em đang ở đâu, tôi vẫn mong cho em, tương lai em sáng hơn ở một nơi nào đó, mà không phải là chỗ dừng chân cuối chặng đường nghèo khó dưới mái nhà Jesus house. Cũng như tôi vẫn nguyện xin cho các em bé nghèo khó quê hương tôi luôn tìm thấy ấm no, tìm thấy niềm vui, nụ cười cho dù cuộc đời luôn là những bất công... là nước mắt.

(viết cho Billy)

Nguyễn Thị Tê Hát

Tuesday, October 20, 2009

Nỗi Buồn Xót Xa!


Sáng nay đọc được thơ ai viết
Mà nghe nhung nhớ trở về tim
Tình xưa một thuở xa xôi lắm
Sao cứ lênh đênh nỗi nhớ tìm

Người có nỗi buồn cũng giống tôi
Cũng đau cũng hận một người thôi
Tình tôi ngày ấy thơ ngây lắm
Thơm ngát tình xuân giữa đất trời

Thời gian bàng bạc áng mây trôi
Đất nước vì đâu lại đổi dời
Tình tôi tan vỡ theo thời cuộc
Nên tình ngày ấy bỏ rong chơi

Tôi đã từng thề với chính tôi
Đừng thương đừng nhớ chuyện xa xôi
Đừng âm thầm khóc trong đêm vắng
Đừng thẫn thờ nhìn lúc mưa rơi

Tôi đã thề nhiều với chính tôi
Mà sao vẫn khóc chốn quê người
Mà sao mắt vẫn hoen màu úa
Ở giữa cuộc đời chẳng thấy vui

Hôm nay đọc được nỗi đau ai
Sao giống tình tôi tiếng thở dài
Tôi muốn chia người ly rượu đỏ
Để cùng uống cạn một đêm nay

Sao rượu uống hoài chẳng thấy say
Chẳng thấy vơi đi những miệt mài
Hình như nước mắt tan trong rượu
Nên rượu cứ đầy người có hay?

Thôi nhé đừng khơi lại nỗi buồn
Cùng tôi quên hẳn chuyện đau thương
Nợ duyên không có... thì thôi vậy
Giữ mãi làm chi kiếp đoạn trường...


Nguyễn Thị Tê Hát

Cuối Hạ


Mắt em buồn trống vắng
Như vùng biển hoang sâu
Cho lòng nghe tím ngắt
Giữa cuộc đời bể dâu

Tình như roi quất mạnh
Làm trái tim em đau
Cho giọt buồn như máu
Lả chả giữa đêm thâu

Bên ngoài trời cuối hạ
Nên vạt nắng không cao
Cho em hong buồn tủi
Khô mau giọt lệ trào...


Nguyễn Thị Tê Hát

Thursday, October 8, 2009

Mộng Vỡ



Khi đất nước tang thương
Mộng ước hết bình thường
Người quay lưng bước vội
Em thấy lòng vấn vương

Nhìn người đi xa khuất
Nghe ứa nghẹn trong tim
Con tim em xe thắt
Lệ hoen nhoè đôi mi

Bao nhiêu năm mong đợi
Bây nhiêu ngày ngóng trông
Người biệt vô âm tín
Đau lòng em vô cùng

Hoa xuân vừa hé nhụy
Chưa kịp rộ xuân thì
Đã nghe tình héo úa
Một cuộc tình vô vi

Ngày xưa em bé nhỏ
Nhìn đời thật vô tư
Bây giờ thành thiếu phụ
Khóc người trong ngục tù

Bàn tay em quá nhỏ
Cánh tay em quá gầy
Tình em chưa đủ lớn
Nên cuộc tình xa bay

Đêm nay đêm thật buồn
Bỗng dưng lệ lại tuôn
Tủi thân mình lầm lỡ
Yêu chi người không yêu!


Nguyenthitehat

Thursday, July 9, 2009

Lỡ Mối Duyên Đời



Thuyền tôi lơ lửng bến đục trong
Nào biết sông sâu, nước vẫn ròng
Bến bờ xa lạ, chim mỏi cánh
Mỏi mắt tìm đâu dáng người mong

Chiều nay nắng lắm rực ngoài hiên
Cây sứ trên sân vẫn nhu hiền
Cánh hoa đài các, hương thoang thoảng
Gợi nhớ tình ai, mộng rất êm

Vẫn biết rằng yêu chẳng nợ nần
Nên không chồng vợ kiếp ba sinh
Bởi ông nguyệt lão ghen đôi lứa
Nên cố xe lầm, lạc mối duyên

Biết trách gì đây cũng lỡ rồi
Đường đời hai lối, rẽ đôi nơi
Người xa xăm quá, phương trời ấy
Có nhớ gì chăng đến một người?


Nguyễn Thị Tê Hát

Nắng Hạ


Mùa hạ năm nay chắc chắn nắng và nóng hơn mọi năm, những cây cảnh trong nhà cứ phải chăm lo mỗi sáng, mỗi tối và máy lạnh vừa đủ cho cây tươi tốt, cho lá xanh màu. Cây bí, cây mướp đang vươn những đọt non lên chiếc giàn nhỏ, đóng thô sơ nhưng cả một công trình vĩ đại của chính mình đã khổ công tạo nên. Ráng đóng những chiếc cọc trụ cho vững để gác những thanh gỗ nhỏ. Đóng vào cọc không đóng, lại nện trúng vào tay đến rướm máu bầm, may là đeo găng tay nếu không thì mất móng... đau quá là đau, đau xuýt xoa, cuống quýt chạy vào nhà lấy muối dấm ngâm ngón tay vào... đau nhưng cũng phải ráng cho xong công trình đang dở dang... chiếc giàn đã được cột lại bằng những sợi giây len trắng được tháo ra từ chiếc khăn đang đan nửa chừng... rồi cũng xong, cũng chăc chắn không đến nỗi sợ gió bay đi... đứng bên cửa sổ nhìn ra ngoài gật gù với chính mình... ừ, cũng được đấy chứ, "không có mợ, chợ cũng vẫn họp như thường..."

Sáng sớm thức dậy, sau khi excercise đều không thể quên thăm những cây tươi trong một phòng ngủ bỏ trống, từng chậu lan đang vươn dài những cành hoa để chuẩn bị những nụ non trên cành. Cây tắc được ông Director mua cho mấy tuần trước đang ươm trái xanh đầy cây. Cây sweet kumquat hoa vừa rụng cũng đang ươm trái nhỏ li-ti như hạt đậu xanh... bước ra ngoài sân thăm vườn hồng đang trổ những nụ hoa, nhưng hoa vẫn không nở rộng cánh như năm trươc, cây bông sứ đặt ở một bên cửa ra vào như cao hơn từng ngày, lá xum xuê và đang nở đầy hoa vàng trắng trên các cành thoang thoảng mùi hương thật dễ thương.

Như mọi chiều đi làm về, vừa đến mở hộp thư, con chim ở đâu bay lại đậu trên trụ đựng hộp thư hót tíu tít, đuổi không đi, chim kêu như thảng thốt, tự dưng sợ, cái sợ đến hoảng hốt không dám đứng lại, vừa chạy vừa lấy mũ xua đuổi vậy mà chim vẫn cứ bay như đuổi theo bén gót không tha làm càng thêm sợ hãi, quýnh quáng thét ầm lên, những nhà gần đó vội vàng mở cửa chạy ra, thằng bé bên cạnh nhà thấy vậy đến xua con chim... Hốt hoảng chạy vội vào trong garage đóng cửa lại... một lúc thật lâu yên ắng mới dám bước ra ngoài tưới cây, ông hàng xóm vừa thấy đã trấn an "không sao nữa, thằng bé bắt con chim đi rồi..."

Ghê quá, nghĩ lại cái cảm giác chiều qua mà rùng mình, lạnh người...có lẽ con chim đói ăn, con chim khát nước bởi thời tiết bất thường nóng nắng của năm nay... lòng người còn xáo trộn huống gì chim chóc, cỏ cây...


Nguyễn Thị Tê Hát

Wednesday, July 8, 2009

Thu Cũ















Thu rất cũ, mình chia tay lặng lẽ
Dấu nỗi buồn, phong kín mãi trong tim
Từng thu qua, day dứt với bóng hình
Em xứ lạ, cuộn mình như cuốn chiếu

Cuộc đời em, như rong rêu ngày tháng
Nỗi chán chường, vò võ chốn quê xa
Nhan sắc nào, đau đớn đã phôi pha
Môi mắt biếc, nhạt nhòa ôm dấu tích

Người và em, con đường không chung bước
Nên đường dài, không đến cả sân ga
Tháng bảy mưa ngâu, trời cứ nhạt nhòa
Nên Ô Thước, không tìm ra phương hướng

Người và em, tình buồn giờ vây chặt
Nỗi nhớ tìm, gom góp gởi vào thơ
Sáng hôm nay, trong ký ức sương mù
Tình thức dậy, nghẹn ngào em mắt ướt

Trời ghen chi, đọa đầy em suốt kiếp
Dở dang tình, cho em khóc hôm nay
Mở bàn tay, ngắm nghía vận rủi may
Đường tâm đạo, lạc loài nên em khổ


Nguyễn Thị Tê Hát

Tình Là Con Dốc Ngược













Đã biết rằng tình là con dốc ngược,
Sao vẫn còn mơ tưởng mãi về nhau,
Sao vẫn còn luyến tiếc mối tình đau,
Cho em khổ, vì người còn thương nhớ,

Chuyện đã qua, hãy quên tình vụn vỡ,
Đừng đi tìm kỷ niệm đã xanh xao,
Duyên phận mình như con dốc lao đao,
Em sợ ngã... rơi vào lòng vực thẳm,

Hai chúng ta, hai con đường vô định,
Song song bên đời đâu gặp được nhau,
Hãy quên em, đừng nhớ mãi tình đầu,
Cho vàng võ để đời rong rêu úa,

Em cúi mặt đếm tháng ngày lần lựa,
Để quên đời cho anh được yên tâm,
Hãy về đi, hạnh phúc đang chờ mong,
Đừng quay lại... nhìn em mà khốn khổ,

Bước em đi, dáng buồn nghiêng nghiêng đổ,
Bóng trải dài trên phố nhỏ đêm nay,
Gió đi về nghe thương nhớ tình ai,
Bờ vai nhỏ hững hờ mưa ướt áo,

Em khóc em, hay khóc tình hư ảo,
Em giận mình hay giận cả trời xanh,
Duyên không tròn nên một chút hờn anh,
Rồi lại khóc thương mình duyên dang dở,


Nguyễn Thị Tê Hát

Em!







Em không là mơ
Em không là mộng
Em chỉ là mây
Trôi lãng đang trong chiều...
Nhớ!

Em không là hoa
Em không là cỏ
Em chỉ là gió
Thổi trên đồi hoang vu...
Buồn!

Em không là sương
Em không là bão
Em chỉ là mưa
Rơi thật nhẹ xuống hồn...
Đau!

Em chỉ là ảo ảnh
Đi tìm kiếm hư không
Ngàn năm nào bắt gặp
Tất cả chìm vào...
Không!


Nguyễn Thị Tê Hát

Monday, June 29, 2009

Đời Không Như Là Mơ!



Đời không còn là mơ, bởi cuộc sống hiện tại quá phũ phàng, quá kinh hãi. Trái địa cầu càng ngày càng nóng. Những nơi băng đá đang từ từ tan loãng. Những cơn gió lốc càng ngày càng xoáy mạnh. Chiến tranh khủng bố càng ngày càng leo thang. Các nước đang dọa dẫm nhau với võ khí nguyên tử. Hàng ngàn người tranh đấu cho lẽ sống, cho quyền tự do đang đứng trước họng súng của kẻ bạo tàn. Các bịnh tật quái lạ đang hoành hành trên thế giới. Những đòi hỏi chấp nhận hôn nhân, bảo hiểm sức khoẻ của những kẻ đồng tình luyến ái đang kêu gào đảo ngược luân thường đạo lý. Cảnh những người đồng tính ôm ấp nhau thấy ghê rợn trên màn ảnh. Những sa đọa đồi trụy không những ở đất nước này mà còn ở khắp mọi nơi, ở cả nơi quê hương mà mọi người đang mong ngóng được trở về sống trong an bình tự do. Những con người bịnh hoạn hiếp dâm các trẻ em 4, 5 tuổi rồi chặt ra từ khúc... Những người chồng giết vợ, giết con, giết với bào thai đang tượng hình... Cha mẹ giết con, con cái giết cha mẹ... khủng khiếp quá. Những người đàn ông lừa dối vợ, phản bội tình nghĩa vợ chồng... không cứ phải là những người bình dân mà cả những người đang có danh phận địa vị cao trong xã hội... Thế giới này đang đi về đâu? đang đi vào sự hủy diệt?... Lương tâm loài người đã bị địa cầu hâm nóng thiêu rụi rồi sao???

Hình như tim tôi đau, đau lắm bởi mắt tôi đang long lanh và cổ tôi nghèn nghẹn...


Nguyễn Thị Tê Hát

Thursday, June 18, 2009

Đêm Buồn!...


Sáng nay mưa nhạt nhoà
Trên phố vắng người qua
Chợt thấy ai lẻ bóng
Lòng buồn bỗng xót xa

Người hình như cũng có
Một nỗi buồn giống tôi
Đứng thẫn thờ một góc
Âm thầm nhìn mưa rơi

Nỗi buồn tôi trốn tránh
Trong ngõ ngách cuộc đời
Đêm từng đêm day dứt
Giằng xé mãi không thôi

Trời mùa đông lạnh căm
Gió rít thổi từng cơn
Bên ngoài như tuyết giá
Phủ cây buồn trơ xương

Đêm về trong hoang vắng
Như giọt sầu riêng ta
Rượu đầy ly rồi cạn
Buồn ơi sao thiết tha

Bàn ghế ngả nghiêng quay
Cả phòng trống lung lay
Ô kìa! sao tôi khóc ?
Rượu nồng vẫn chưa say!...


Nguyễn thị Tê Hát

Tuesday, June 9, 2009

Đêm Hoang Tịch!


Ngồi chết lặng hằng giờ trong cô lẻ,
Nghe linh hồn gào khóc dưới mộ sâu.
Đời nghĩa gì những tiếng thở dài lâu,
Trong trống vắng, nghe hồn như bỏ ngỏ.

Đêm khuya lặng nhìn trần nhà bỡ ngỡ,
Âm thanh nào như chìm đắm cơn đau?
Mộng mơ giờ trốn kín mãi nơi nao?
Trong hốc hẻm tìm hoài sao không gặp?

Mai tôi chết với linh hồn đơn độc,
Từ giã nơi này đi đến nơi kia,
Cuộc đời này chỉ là gió với mây,
Sẽ chôn hết, theo tôi về bên ấy.

Kiếp phù du, sao cứ hoài rong ruổi?
Kiếp con tằm, sao cứ nợ nần nhau?
Kiếp thương đau, sao vẫn mãi thương đau?
Kiếp băng giá, muôn đời hoài băng giá.

Mai tôi chết là quên đi tất cả,
Không còn buồn, không còn khổ, còn đau.
Không thẫn thờ trong đêm tối qua mau,
Không úp mặt khóc riêng mình lặng lẽ.

Mai tôi chết, là xong một kiếp khổ,
Nắm bụi mờ xin trả lại trần gian,
Cắn ngón tay, nước mắt lại chứa chan,
Mai tôi chết!... không ai buồn tất cả...


Nguyễn Thị Tê Hát

Saturday, June 6, 2009

Một Nửa Cho Anh!


Mai tôi chết, sẽ chia anh một nửa
Một gia tài đầy ngất thương đau
Một gia tài vỡ vụn tình nhau
Một khốn khổ cả đời tôi gánh chịu

Mai tôi chết, mình chia nhau một nửa
Của những gì tê tái anh tặng trao
Của những gì khi tình mãi lao đao
Của cay đắng một đời anh chối bỏ

Mai tôi chết, tình tôi giờ bỏ ngỏ
Không còn là ảo ảnh của hôm qua
Không còn là trách cứ mối tình hoa
Tình trong trắng để rồi tình tan vỡ

Mai tôi chết, tất cả thành lở dở
Sao vẫn còn ướt má khóc đêm nay
Mai mốt này rồi nhắm mắt xuôi tay
Tôi sẽ gởi tình anh về một nửa

Mai tôi chết, di chúc này gởi trả
Có quan tòa làm chứng hộ giùm tôi
Trả về anh những giọt lệ đầy vơi
Những tiếng khóc âm thầm trong đêm tối

Trả về anh những ngày xưa dấu ái
Những ân tình ngày đó đã lên ngôi
Trả về anh vị ngọt đắng đầu môi
Trả tất cả... để lòng tôi thanh thản

Mai tôi chết, anh nhớ cầm một nửa
Để hiểu thế nào hai tiếng thương đau
Để hiểu thế nào tình nghĩa phụ nhau
Để hiểu rõ thế nào tình khốn khổ...

Mai tôi chết, xin anh cầm một nửa!


Nguyễn Thị Tê Hát

Mai Tôi Chết!...


Mai tôi chết, có ai buồn ai khóc?
Ai là người vun vén mối tình si?
Ai nhang đèn hương khói kẻ ra đi?
Ai nhỏ lệ thương thầm người bạc phước?

Mai tôi chết, có ai buồn ai khóc?
Ai thẫn thờ cầm di ảnh đi sau?
Ai áo tang che kín hồn thương đau?
Ai nức nở khóc người đi vội vã?

Mai tôi chết, có ai buồn ai khóc?
Ai là người kể lể chuyện ngày xưa?
Ai là người gói kín một tình thơ?
Ném xuống mộ cùng hoa hồng màu đỏ?

Mai tôi chết, trời có làm nghiêng ngả?
Gió có về thổi lộng lá trên cao?
Mưa có về nhỏ lệ khóc cho nhau?
Có ve vuốt mộ người nằm đơn lẻ?

Mai tôi chết, ai cầu kinh thương khổ?
Cho linh hồn siêu thoát cõi trần ai,
Cho cô đơn thôi liệm kín hình hài,
Cho tôi mãi không còn là tôi nữa.

Mai tôi chết, có ai buồn lần lựa?
Ai chong đèn thổn thức tiếng yêu em?
Ai băn khoăn mất ngủ từng đêm đen?
Ai tiếc nuối? Ai gào than? Ai khóc?

Đêm nay đây, sao thấy lòng buốt giá
Đắng cay nhiều như cứ ngỡ mình đi...
Cắn chặt môi, lệ thấm ướt bờ mi
Mai tôi chết!... Không ai buồn đâu nhỉ?


Nguyễn Thị Tê Hát

Friday, June 5, 2009

Đắng Như Trái Khổ Qua!



- Ủa, thế cô là tác giả bài viết "Như Trái Khổ Qua" hả? Vậy mà bấy lâu nay chúng tôi đọc thơ, văn hoài mà không biết, thật không ngờ...

Đỏ mặt mỉm cười không nói cho dù muốn lên tiếng hỏi lại:
- "Không ngờ có nghĩa là sao? Có nghĩa văn chương và người viết quá đối ngược nhau? Thế không phải người ta vẫn thường nói văn là người hay sao?..."

Cô bạn ngồi sau bàn làm việc thấy vậy vừa cười vừa nói:
- Trời ơi, chỉ có ông là nguời không biết đó thôi...

Một người khác trong phòng lên tiếng như đùa ghẹo:
- Thật đúng là nhà văn có khác, thật khéo tưởng tượng, chuyện thế mà cũng ví "Như Trái Khổ Qua"...

- Ấy chết, xin ông đừng nói vậy, ông nói vậy người ta kiện tôi chết.

- Ai kiện? Tại sao?

- Tại vì tôi không phải là nhà văn.

- Thế người ta phải gọi cô là gì?

- Chẳng là gì cả, tôi chỉ là người ngồi kéo những con chữ lại với nhau thành một bài viết, là người ngồi ghép những mảnh vụn thành một bức tranh như ông đã thấy và đã đọc.

- Vậy à? Nhưng mà này, trái Khổ Qua tuy lúc đầu ăn thấy đăng đắng, nhưng sau nhiều lần ăn vào sẽ thấy ngòn ngọt phải không? Ăn hoài đến nỗi không ăn sẽ thấy nhơ nhớ...

- Dạ không, trái khổ qua này đắng lắm ạ, đắng không thể ăn nổi...

Nghe câu trả lời, người ngồi sau bàn giấy bật cười. Người đàn ông vẫn không buông tha cố tình làm khó...
- Nhưng cô không thấy là người ta vẫn mê những vị cay, chua, chát, mặn, đắng hay sao?

- Dạ thưa vâng, nhưng mà riêng trái khổ qua này thì thật sự đắng lắm ạ, đắng đến không thể nuốt được...

Thánh lễ vừa xong, bất chợt bắt gặp đôi mắt ai đang nhìn, vội vàng bước nhanh về chiếc xe đang đậu ở cuối parking...


Nguyễn Thị Tê Hát

Thursday, May 28, 2009

Ướt Mi!...



Sáng nay thức dậy trễ
Hối hả trên đường đi
Con đường dài mưa nhỏ
Hiu hắt buồn dâng mi

Ngồi một mình phòng vắng
Mở hộp thư ra xem
Kìa thư ai rất lạ?
Hình như là... không quen!

Lòng phân vân, khó nghĩ
Địa chỉ thật xa xăm
Hay là ai lầm lẫn?
Gởi đến người cùng tên?

Lời thư đầy tha thiết
cẩn thận ý chân tình
Làm mi gầy thoáng ướt
Thổn thức buồn con tim...


Nguyễn Thị Tê Hát

Gió!


Đêm qua gió khủng khiếp, gió rít lên từng hồi nghe rờn rợn, nghe vắng vẻ, nghe đêm hoang vắng. Tiếng gió vi vu như nhắc nhở đến những cơn bão tuyết trong film Dr. Zivago. Gió đêm nay khác hẳn những cơn gió đã qua, gió không giống những con gió lốc... Gió làm người ta liên tưởng sắp đến ngày tận cùng. Âm thanh của gió nghe không giống những cơn gió đã đi ngang. Gió thổi phần phật cây thông như cây liễu bên kia hàng rào của phía sau nhà cứ ngả nghiêng hết bên này sang bên kia... Gió đem theo mưa, những hạt mưa tuy không nặng hạt nhưng bị gió dập vùi vào mặt kiếng đem theo chút lành lạnh đi về trong đêm...

Gió làm giật mình, gió đánh thức nỗi buồn trong đêm vắng, gió làm đêm mất ngủ... chợt nhớ đến cây bông sứ đặt trước nhà đang trổ đầy nụ trên cành, lo lắng không biết có còn hay đã đổ gẩy theo cơn gió... Chạy vội ra phòng khách đứng nhìn qua cửa kiếng... may quá, cây bông sứ vẫn còn nguyên, vẫn có đó, vẫn không xê dịch. Cây bông sứ, cây bông kỷ niệm của những năm trước được mang về từ nơi xa... cây bông sứ vẫn còn như nỗi buồn cứ còn đó trong tim, vẫn trĩu nặng trên vai như không hề vơi nhẹ....

Phải chi cơn gió đêm qua thổi tốc nỗi buồn cố hữu bay đến một nơi nào đó thật là xa cho nỗi buồn không tìm thấy đường về hay lạc mất đường về thì hay biết mấy!...

Bên ngoài tối nay cũng lại đang có gió, gió thổi bay màn cửa, gió lành lạnh đi về giữa một tối đang vào hạ, của những ngày cuối tháng 5...


Nguyễn Thị Tê Hát

You Are My Sunshine



You are my sunshine
My only sunshine
You make me happy...

Đêm nay nghe lại bản nhạc này mẹ nhớ đến con thật nhiều, nhớ đến trĩu lòng... con, thằng bé của riêng mẹ, thằng bé mãi mãi không lớn trong mẹ, mãi mãi là giọt nắng chiếu vào cuộc đời mẹ...

Khi vừa có con, con cho mẹ không khí mới, một bầu trời mới, và tất cả bắt đầu như khi mẹ bước chân xuống con đò nhỏ đưa ra khơi, con đò đưa mẹ ra biển lớn, nơi có con tàu định mạng đang nằm chờ đợi để đưa mẹ đến một chân trời mới, một chân trời là thiên đàng của nhiều người ước mơ, của những người đã bất hạnh vùi thân nơi lòng biển. Nhưng cũng chính nơi này đã làm mẹ phân vân khắc khoải về sự lựa chọn của mình, đôi lúc mẹ không biết có phải mẹ là một trong những người may mắn hay là một trong những người bất hạnh đã sanh con nơi đất khách quê người để con lớn lên nơi này, không tiếp nhận được những ngôn ngữ quê hương, những tình tự dân tộc như những đứa trẻ lớn lên ngay tại lòng quê hương mình...

Khi con ngủ, mẹ hát ru con bằng những lời ca dao ngọt ngào, con lại cứ trố mắt nhìn mẹ cười không ngủ, mẹ phải dỗ giấc ngủ ngoan của con bằng tiếng hát của Anne Murray cho con nghe, tiếng hát của Anne Murray nuôi con lớn theo thời gian, khi con bập bẹ, khi con biết nói, con với mẹ lại cũng hát cho nhau....You are my sunshine, my only sunshine, You make me happy... và khi con nói sõi, con lại hát ru mẹ cũng là... You are my sunshine, my only sunshine, You make me happy... chỉ có từng đó câu, cứ hát đi hát lại cả mẹ và con...

Con yêu, bây giờ con không còn bé, con đã trưởng thành, có lúc nào con nghe lại bản nhạc này không? bản nhạc này có làm con nhớ mẹ? bản nhạc này con có bao giờ muốn hát lại cho mẹ nghe với đôi bàn tay bé nhỏ ngày xưa cứ xoa xoa lên tóc mẹ nữa không?.... Cho dù con còn nhớ hay không, con vẫn mãi là...

You are my sunshine
My only sunshine
You make me happy
When skies are gray
You'll never know, dear
How much I love you
Please don't take my sunshine away.
cho dù có những đêm...


The other night dear
As I lay sleeping
I dreamed I held you in my arms
When I awoke, dear
I was mistaken
So I hung my head and cried.
...............
................................


Nguyễn Thị Tê Hát

Thursday, May 21, 2009

Em Tôi!


Em tôi mọi người đều khen là đẹp trai, đôi mắt to với hàng mi cong trên khuôn mặt hay mắc cỡ, hay đỏ mặt đến nỗi mỗi lần khách ba mẹ đến nhà sau khi chào xong là chạy trốn vào trong. Bạn tôi đến hỏi có tôi ở nhà hay không? Hắn chỉ trả lời có hay không rồi biến mất, muốn hỏi thêm câu nào cũng đành chịu.

Ngày tháng đi qua, em tôi lớn lên theo thời gian, cái mắc cỡ, cái đỏ mặt không còn nữa, em tôi trở thành một thanh niên hoạt bát với vẻ mặt nghiêm nghị nhưng với khuôn mặt đó, nụ cười đó đã lôi cuốn nhiều cô gái cùng tuổi để rồi chúng tôi được dịp lén đọc những lá thư yêu, những lá thư ghen, những giận hờn, những oán trách. Không những thế mà bạn của tôi cũng ngẩn ngơ mỗi lần nhìn em tôi trên màn ảnh nhỏ. Em tôi dáng cao, đàn hát hay, khéo nói. Chị em chúng tôi một nửa giống ba nên đam mê văn nghệ, trong khi nửa kia còn lại giống mẹ chỉ biết thưởng thức, không như một nửa giống ba của chị em chúng tôi.

Những ngày cuối tuần, dưới bếp mẹ bận rộn với tiếng thớt, tiếng nồi niêu xoong chảo bao nhiêu thì trên phòng khách chị em chúng tôi đàn ca vui hát nhộn nhịp bấy nhiêu của những sáng tươi hồng như Beautiful Sunday, The Magic woman, I Will Follow You, Đốt Lá Trên Sân hay Cô Bắc Kỳ Nho Nhỏ... tôi có đến 4 em trai cao lớn trong nhà và các cậu quý tử của bố mẹ đã vô tình đuổi đi những cây si của tôi... "anh đi ngang nhà em mấy lần nhưng không dám vào vì ngại mấy ông anh của em ..."

Khi em tôi đậu tú tài, ba mẹ thưởng cho em đi du lịch từ Sài Gòn ra Huế, mua một chiếc xe dzeep làm quà để sau đó cứ phải nghe ba phàn nàn mỗi chiều sau khi đi làm về rằng mấy ông bạn làm cùng đơn vị với ba mách bảo, thằng con lái xe nhanh trong thành phố, đã vậy tay không để trên tay lái, trên xe chở toàn là con gái cười nói ầm ĩ... Sau đó em làm xướng ngôn viên cho đài truyền hình của thành phố chúng tôi ở, mọi người thích nhìn em tôi trên màn ảnh, họ ngóng chờ giờ em đọc tin tức, bình luận. Bạn tôi cứ đùa kêu lên: "sao mày không bảo em mày cười với tao một cái..." Cái đào hoa của em tôi giờ này vẫn còn làm cho người bên cạnh phải bực mình khó chịu.

Cuộc đời không như ý, sau khi lịch sử đổi thay, cuốc sống của mọi người bị đảo lộn, em tôi trở thành hiệu trưởng của một trường tiểu học ở Giang Điền với cuộc sống bình dị yên lành của vùng đất mới khai quang. Sau ngày tôi đi, em tôi lập gia đình với cô bạn học ngày xưa, cô bé hàng xóm cũng là em của bạn học tôi. Hai đứa lớn lên trước đôi mắt của gia đình hai bên, cuộc sống của em tôi thăng trầm mà tôi không thể ngờ được trong thời gian bao cấp. Những lá thư viết sang không hề than trách cho đến khi tôi trở về...

Cô em dâu tôi kể những khó khăn mà vợ chồng em tôi gặp phải... "anh ôm thùng kem đi bán, băng qua đường bị xe đụng, thùng kem đổ tung ra.... về nhà hai vợ chồng ôm nhau khóc... 2 vợ chồng mở tiệm cho thuê bàn ghế chén bát, sau những đám cưới phải xắp xếp bàn ghế, rửa chén bát cho đến sáng để hôm sau còn kịp giao cho đám khác. Mở tiệm cafe, tụi nó ngồi vừa uống vừa phá, đổ cả bình đường vào ly, ngồi hoài không chịu về cho dù đã quá giờ đóng cửa... " nghe em dâu tôi kể mà nước mắt tôi đầm đìa, lòng tôi đau như cắt , tôi không thể ngờ cuộc sống của em tôi lại trải qua những thời kỳ đen tối như vậy? Trong khi đó tôi cứ tưởng gia đình tôi vẫn sung túc, cuộc sống của gia đình em tôi ấm no nên bao nhiêu tiền bạc đều gởi về cho gia đình chồng, vì nghĩ họ cần sự giúp đỡ hơn gia đình tôi mà qua những lá thư than vãn xin xỏ mà chúng tôi nhận được. Tôi đâu có ngờ sự vô tình của tôi đã đưa các em tôi đến bên bờ khốn khổ nghèo túng? Càng nghe kể tôi càng cảm thấy có lỗi với gia đình, với em tôi... Em tôi là người đàn ông có trách nhiệm, không một lời than van, xin xỏ để gánh chịu những khốn khó cùng cực cùng với những người dân lúc ấy trong thời buổi đen tối nhất của thời cuộc.

Khi tôi dắt 2 con về Việt Nam lần đầu tiên sau những năm rời xa quê hương. Tôi về dự lễ giỗ một năm của vợ chồng em trai tôi, cậu em trai thứ tư trong gia đình, em tôi ngày ấy yêu nồng nàn, yêu đắm say nên đã từ bỏ tất cả, từ bỏ Canada, từ bỏ cuộc sống mà những người ở Việt Nam lúc ấy đang thèm khát để đi tìm tình yêu của chính mình. Sau đó một tai nạn thảm khốc đã đem đi sinh mạng của vợ chồng em tôi và để lại một bé gái 2 tuổi... Tôi đưa hai con trở về nơi tôi đã bỏ đi nhiều năm với cõi lòng tan nát, khổ đau. Khi em đưa tôi đến Thánh Đường ở Gò Vấp nơi cất giữ hài cốt... nhìn 2 cái hộp đặt trong tủ kiếng nằm kế cận bên nhau với hình ảnh của vợ chồng em trai tôi trông quá trẻ với nụ cười tươi làm lòng tôi đau ngút ngàn, em tôi đến ôm chị vỗ về. Cái ấm ấp trong vòng tay em tôi làm tôi muốn òa khóc.

Thời gian tôi về lúc ấy, cuộc sống của gia đình em tôi đã ổn định, có căn nhà khang trang ở đường Lê quang Định, có tiệm cho thuê video rất khấm khá làm ăn nên, có lúc phải thuê 3, 4 người phụ việc, tôi mừng vì cuộc sống của vợ chồng em tôi khởi sắc nhưng cũng có lúc sóng to gió lớn trong hạnh phúc của em tôi suýt nữa đổ vỡ... "chị xem, em đứng ngay bên cạnh anh ấy mà tụi nó cứ bám theo, làm như không có mình vậy, sáng nào cũng đến, chiều nào cũng có mặt mà anh ấy lại chẳng đuổi đi đã vậy còn cười nói với nó...". Các cô trong tiệm làm tóc, làm móng tay gần nhà mà em đã đưa tôi đến, các cô vừa trông thấy đã tươi cười đon đả..."cô mới về hả? cô giống chú ghê, chú đẹp trai giống Nguyễn Ngọc Ngạn..." tôi cười nhủ thầm "Nguyễn Ngọc Ngạn mà đẹp gì? em tôi phải khác hơn chứ..."

Em tôi có uy quyền của một người đàn ông đến tôi là chị mà cũng phải e dè, đôi khi cái uy quyền đó làm tôi bực mình, tự ái đến muốn khóc vì có cảm tưởng hắn lấn át tôi, hắn cho hắn cái quyền được canh chừng, bảo vệ tôi và dĩ nhiên tôi cũng phải cẩn thận e dè hơn trong cuộc sống của riêng mình vì tôi muốn tôi vẫn mãi là một người chị đúng nghĩa trong lòng em tôi.

Ngày tôi trở lại nơi này, tôi đã để lại một số tiền cho em tôi qua ông bố vợ nhờ ông đưa lại cho em sau khi tôi đã đi, vì tôi biết chắc nếu đưa tận tay em sẽ không bao giờ nhận. Số tiền nào đi nữa cũng không đủ bồi đắp những thiếu xót vô tình của tôi trong thời kỳ đen tối đã qua mà gia đình em tôi đã gặp phải...

Năm ngoái tôi lại trở về thăm quê hương sau 12 năm kể từ lần giỗ vợ chồng em trai thứ 4 của tôi. Lần này tôi trở về có người bên cạnh đi theo, có chồng bên cạnh mà em tôi vẫn cứ phải lo lắng, canh chừng. Đi đâu em cũng gọi, em gọi nhiều lần, không bắt phone, để rồi khi liên lạc được tôi phải nghe những lời cằn nhằn..."có mỗi cái cell phone mà chị cũng không chịu bắt, chị có biết là người ta lo không?..." Ra Quy Nhơn thăm bạn bè, em gọi bạn em lo nơi ăn chốn ở. Đưa đi những quán ăn ngon, thăm lại những nơi mà em nghĩ tôi muốn được đặt chân đến, những nơi kỷ niệm đong đầy của tôi. Chúng tôi đến Quy Nhơn vào một sáng thật sớm đã thấy bạn của em tôi đứng đợi trước khách sạn từ bao giờ làm chúng tôi vô cùng ái ngại... Em tôi đấy, không những là một người bạn tốt, một người chồng quán xuyến mọi công việc làm ăn, một người anh, người em biết thương yêu bảo bọc chị, bảo bọc em và là một người cha quá chu toàn đối với con cái, một người cha nhìn vào tôi thèm được có cho các con tôi..."

Tiếng bạn tôi ở Việt Nam đều đều bên kia đầu giây kể về cuộc sống của bạn... của gia đình em tôi...

- Mày biết không? bên này bây giờ cái gì cũng đắt đỏ. 100 đô chẳng bao nhiêu, 2 tuần nay nhà tao không một tý thịt, đi chợ mua rau không đã hết 50 ngàn. Con cái giúp đỡ nhưng kinh tế xuống dốc nên cũng lo lắm. Nhà tao nhìn vào mọi người thấy đồ sộ như vila nhưng ai biết được là mấy mẹ con tao lo từng bữa một. Tao bị bịnh áp huyết cao phải uống thuốc mỗi ngày cứ phải mua tí gạo nếp nấu để dành ăn mỗi sáng cho khỏi xót ruột. Tiệm internet của thằng em mày dạo này ế ẩm phải đóng cửa, lúc trước cho người ta thuê phía trước để bán Cháo Dinh Dưỡng cho các em bé, bây giờ họ trả lại không thuê nữa vì nhà nước làm đường bụi bặm. Nhân cơ hội nhà nước sửa đường, hai bên nhà họ có tiền xây lên cao trông khang trang, còn 2 vợ chồng nó đâu có tiền nên chỉ xây sơ sài lên cho có để sau này cho thuê phía dưới. Mày biết hồi trước sáng nào nó cũng đi quán uống cafe, bây giờ bảo vợ mua về nhà pha, không dám uống bia, uống rượu, không ăn sáng. Ngày trước chê cơm nhà, đi ăn tiệm, bây giờ sáng cũng nhịn đói không ăn, chỉ chờ vợ nấu cơm ăn thôi... ". Nghe bạn nói nước mắt tôi tuôn,. cổ tôi nghẹn, tôi muốn bảo bạn im đi, tôi nghe đủ rồi, nhưng tôi không nói được, tiếng bạn vẫn đều đều. Tôi thương em tôi, tôi đau vì sự tiết kiệm quá đáng của em tôi, vậy mà gia đình ở Canada gởi tiền về hay mỗi lần gọi điện thoại hỏi thăm về cuộc sống hiện tại, em tôi đều trấn an vui vẻ để mọi người yên tâm.

Đêm qua lại mất ngủ, tiếng đều đều từ TV phát ra làm tôi mệt mỏi muốn chìm vào giấc ngủ nhưng khi tắt TV, những lời nói của bạn tôi lại quay cuồng trong đầu, nhìn đồng hồ mới 2 giờ 30, trằn trọc qua lại, nhìn lên đồng hồ lần nữa... hơn 3 giờ sáng... tôi muốn dỗ giấc ngủ nên lại mở TV lên để xua đi những ý nghĩ về cuộc sống của bạn tôi, của gia đình em tôi đang dày vò làm tôi khó chịu... Trằn trọc suốt đêm, không tài nào ngủ được, tôi ngồi dậy tìm địa chỉ, số điện thoại của em tôi và những gì cần phải làm trong ngày hôm nay để bỏ sẵn vào xách tay, vì dù sao những chuyến du lịch dự tính của tôi có thể xếp lại trong tương lai, hoặc không cần thiết bởi những khốn khó của em trai tôi là những khổ đau, là những nghèn nghẹn trong tim tôi lúc này... Vì tôi biết, nếu em ở vào địa vị tôi, chắc chắn em tôi cũng sẽ không ngoảnh mặt làm ngơ... và tôi, dù sao tôi cũng vẫn là người may mắn còn có một chỗ đứng nơi đây, còn có một công việc mà tôi đang và đã yêu thích nhiều năm....


Nguyễn Thị Tê Hát

Thursday, May 14, 2009

Nhạt Phai


Kỷ niệm xa rồi chấp cánh bay
Còn đâu êm ái những nhạt phai
Tôi về gom nhặt từng hạnh phúc
Một thủa xuân xanh với tháng ngày

Hạnh phúc … chen vào những đớn đau
Rong rêu héo úa mắt môi sầu...
Bên ngoài mưa đổ lòng day dứt
Biết đến bao giờ mới quên nhau!...


Nguyễn Thị Tê Hát

Ru Tôi Giấc Ngủ Nghìn Thu


Tôi sẽ gom những đau thương kỷ niệm
Những dại khờ chất chứa thuở hồn hoang
Những đắng cay vàng võ nát tâm can
Những hạnh phúc một thời nay bỏ ngỏ

Tôi sẽ gom những đêm dài mất ngủ
Đóng vào thùng và thả xuống giòng sông
Để quên đi một góc phố muộn phiền
Thôi trách cứ... mình sinh lầm thế kỷ

Tôi sẽ gom cuộc tình không như ý
Những nỗi sầu còn mãi cứ cưu mang
Trả cho đời những ngày tháng đa đoan
Để thong thả không còn vương hận tủi

Và tôi sẽ... áo nhân gian gởi lại
Để ru mình trong giấc ngủ nghìn thu
Để ru tôi trong huyệt lạnh âm u
Một lặng lẽ, yên mình không bão tố...


Nguyễn Thị Tê Hát

Wednesday, May 13, 2009

Atlanta!


Đi ra phi trường lần này không phải nhờ ai đưa đi, đón về hay phải đi taxi mà chỉ việc phóng xe đến phi trường và đậu xe ở đó vài ngày là xong. Cảm thấy lòng nhẹ nhõm, không vướng víu, không bận rộn...

Mấy hôm trước ngày đi, trời cứ mưa hoài nên hôm đi trời ảm đạm như mùa thu còn xót lại đâu đây, tuy lá đã xanh và những bông hoa tím dại lẫn hoa vàng đang nở rộ hai bên đường. Đường bay không êm ả khi đi vào những đám mây đen, hoặc bay trên những đám mây trông như từng cuộn bông gòn xếp liền nhau làm đầu óc chao đảo khó chịu. Chuyến bay đến trễ 1 tiếng đồng hồ, không biết người đợi có còn đợi hay đã ra về... Hình như Atlanta cũng vừa trải qua cơn mưa to nên còn loang lổ những vũng nước trên phi đạo khi máy bay đến gần bãi đậu.

Kéo chiếc valy nhỏ trong tay từ từ đi ra, mắt nhìn vào đám đông tìm kiếm một khuôn mặt thật xa xưa ngày nào, bỗng có người ôm choàng lấy... giật mình nhìn người đối diện, sửng sốt giây lát rồi... hai đứa bật cười dòn vang, hý hửng đưa nhau ra ngoài...

Atlanta cây xanh nhiều với những cây thông mọc sừng sững trông như một khu rừng thấp thoáng có những ngôi nhà bên trong, đường xá lên xuống như những con dốc của Đà Lạt ngày xưa nhưng trông sạch sẽ nên thơ không trông loang lổ màu đất đỏ của Đà Lạt, cái mầu đất đỏ đã làm mất đi phần nào cái nên thơ của Đà Lạt.

Không biết khí hậu của Atlanta vào mùa đông, mùa hạ như thế nào nhưng cứ nhìn thấy vườn hoa hồng của nhà bạn nở thật to, to hơn bàn tay cố gắng xoè rộng 5 ngón tay cho đủ để áp lên những đóa hoa đã nở hết cánh, đủ biết thời tiết ở đây chắc chắn không gay gắt khó chịu như nơi tôi ở, nơi tôi cứ muốn trốn chạy đã nhiều năm mà không thể nào trốn chạy được, bởi cái rễ đã mọc sâu nơi tôi ở như rễ của cây Bradford tuy cây đã bị mùa đông làm gẫy đổ cách đây 2 năm nhưng rễ đã ăn sâu đến không thể nào đào xới lấy lên cho được.

Hai đứa gặp nhau sau mấy chục năm xa cách, con bạn liến thoáng:
- Mày vẫn vậy không thay đổi, còn tao thì thành bé bự
cười xòa trước câu nói của bạn, chống chế:
- Nói cứ như thật, tao bị quay như quay dế mà mày nói như xưa là sao? khéo nói.
Con bạn nói nhiều, nói khôngng ngừng nghỉ như sợ không có cơ hội để nói làm lỗ tai tôi hình như lùng bùng vì chưa kịp nghe xong chuyện này đã được nghe lướt sang chuyện khác làm tôi chới với, con bạn sau cùng phải thú nhận:
- Mày biết tao mở tiệm suốt 6 ngày từ sáng cho đến tối, chỉ nghỉ ngày chúa Nhật để đi lễ, đi chợ, nấu nướng gặp gỡ con cái. làm suốt ngày không ngưng nghỉ nên đâu có nói chuyện được với ai, khách của tao toàn là Mỹ Đen không à, ngôn ngữ Mỹ Đen đố ai hơn tao... mày thấy đó, tao chỉ có mỗi một câu mà khách nào cũng..."Thank you Sir, Mem, you have a nice day!" đâu cần nói nhiều...

Tôi bật cười vì lối nói khôi hài của bạn, bạn cho tôi sự thoải mái mà tôi đang cần có, hai đứa mày tao lia chia, chẳng ý tứ trước mặt con cái. Bạn hý hửng khoe tôi vừa xuống được 5 lbs sau khi ăn gạo lức, muối mè, bây giờ có tôi, bạn quên phức cái cân đo mỗi sáng mỗi tối để trong phòng tắm nên nhất định đưa tôi đi ăn những nơi mà bạn muốn tôi phải biết đến, phải thưởng thức. Nhìn đĩa ăn bạn mang đến làm tôi trợn mắt:
- Trời đất, bộ mày ăn nữa hả
Bạn phán như ra lệnh:
- Không, cái này là của mày, mày phải ăn hết, ở đây cấm để lại thức ăn trên dĩa...
- Cái gì?
Hai đứa đôi co một hồi rồi tôi cũng phải ráng cho xong sau khi đã dấu một số thức ăn ở đĩa không quên phủ khăn lên cho khỏi vướng mắt người nhìn. Vừa lau tay, vừa nhìn bạn tôi năn nỉ:
- Thôi mày, tha tao đi, đây là lần đầu và lần cuối cùng đi ăn tiệm, tao không đi nữa đâu... mày ăn cái kiểu này bộ tính trả thù 2 tuần ăn gạo lức muối mè hả?

Cái tiệm của bạn tôi rất khấm khá, làm ăn nên trong thời buổi này, bạn tôi có lòng nhân nên mỗi năm không quên trích một số tiền lớn để giúp những bạn bè gặp cảnh khó khăn tại quê nhà. Bạn tôi có được ngày hôm nay đã trải qua biết bao nhiêu khó khăn, cay đắng trong đời, đối với sự đắng cay tôi có chỉ là một thoáng mây đen bay qua bầu trời, những lúc không vui, vừa hé môi đã bị xỉ vả:
- Mày vậy mà kêu ca cái gì? tao không muốn có một con bạn ủy mị động tý là nước mắt, nước mắt đâu có phí như vậy. Mày thấy tao không? tao chỉ khóc cho má tao thôi, tao khóc cho cái nghèo má tao phải cực khổ bán buôn nuôi chị em tao thôi... mày có một đời sống vững chắc như vậy đâu cần phải buồn nữa... nhìn mày biết bao nhiêu người...

Hai đứa nằm bên nhau, tỉ tê kể chuyện, tôi không dám tâm sự, tôi sợ nước mắt tôi đong đầy, tôi sợ nghẹn ngào, tôi sợ òa khóc vì tủi thân... những lúc 2 đứa gọi về VN, nghe con bạn bên kia an ủi:
"-Thôi mày, kệ đi, bỏ qua đi..."
Ơ hay, sao nó lại biết? Hình như mỗi lần cầm điện thoại lên lại nghe có đứa an ủi..." thôi mày..." làm tôi chới với... Mỗi lần nghe như vậy tôi lại thấy nhói trong tim, phải chi tôi là người đàn bà bình thường như những người đàn bà khác có lẽ tôi sẽ bớt đau hơn, nhưng khổ nỗi tôi vẫn là tôi nên tôi không thể nào suy nghĩ khác, sống khác hơn ... không cảm nhận khác hơn được.

Tôi cố lấn át giọng con bạn thân ở đầu giây để tíu tít về một chuyện khác, chuyện ngày xưa, chuyện một thời con gái bé bỏng thuở nào để cố nuốt những giọt nước mắt vào trong đang chờ cơ hội là rơi xuống má ...

Nằm ôm gối xoay bên bạn nghe bạn kể chuyện về cuộc đời mình, những sóng gió thăng trầm, những đau đớn, những bất hạnh, truân chuyên mà bạn gặp phải trong cuộc sống, trong cuộc đời sau ngày lấy chồng khi còn ở trong nước, khi một nách 4 con thơ nơi xứ người không một ai giúp đỡ, khi người đàn ông bên cạnh bạn chỉ còn là cái bóng đã chết hẳn trong tim bạn làm tôi rưng rưng thương cảm trong khi giọng bạn vẫn đều đều đến bình thản nhưng đầy tội nghiêp. So với những khổ đau mà bạn đã gặp, những khó khăn mà bạn đã trải qua tôi cảm thấy xấu hổ với chính mình. Những nỗi đau tôi so với những nỗi đau bạn, của bạn bè bên kia bờ đại dương không là gì cả... chỉ là một nỗi đau trong định mệnh mà chính tôi đã tạo nên....

Ngày rời Atlanta buổi sáng mưa thật nhiều, mưa như trút nước tưởng không bao giờ dứt, con mưa nặng hạt đó rồi cũng ngưng khi bạn đưa tôi ra phi trường. Một mình giữa đám đông chờ chuyến bay trở về nơi bỏ đi mấy hôm trước lại trễ nãi hơn một tiếng đồng hồ. Cầm ly cafe nóng trong tay ngồi nhìn ra phi đạo, chợt nhớ cuộc đời bạn, cuộc đời của những người con gái sau cuộc chiến bỗng thấy lòng ngậm ngùi... Về đến nhà, đêm yên lặng....


Nguyễn Thị Tê Hát

Nỗi Buồn Trong Đêm


Thời gian giờ đã qua mau
Cho ngày tháng lạ theo nhau cuối đời
Biết rằng tình đã vậy thôi
Mà sao buồn cứ rã rời trong tim
Đêm nay mưa đổ ngoài hiên
Giọt dài giọt ngắn triền miên cõi nào
Đời người như giấc chiêm bao
Giật mình, ngoảnh lại... Ôi chao là buồn!


Nguyễn Thị Tê Hát

Monday, April 27, 2009

Không Yêu!









Không yêu thì cứ không yêu,
Đâu cần viện cớ chi nhiều khổ nhau.
Đường đời giờ lắm cơ cầu,
Xin đừng đay nghiến tình đau làm gì.

Không yêu vì đã hết yêu,
Thì thôi ngoảnh mặt hai chiều là xong.
Mình giờ như kẻ độc hành,
Đường chia hai lối, tình mông mênh buồn...


Nguyễn Thị Tê Hát

Thursday, April 23, 2009

Khoảng - Cách!...


Bao giờ anh đi?

- Chiều nay

- Sao lại chiều nay?

Tiếng thở dài:

- Đằng nào rồi cũng phải đi thôi, anh muốn đi sớm, ở lại cũng chẳng ích gì.

- Em biết, nhưng chưa bao giờ em nghĩ anh sẽ bỏ đi cả.

- Tại em không muốn nghĩ đó thôi, vì trước sau gì cũng có ngày hôm nay.

Im lặng, tiếng nghẹn-ngào:

- Vâng, em không muốn nghĩ đến, em muốn đánh lừa em cho dù em biết đó là điều không công bằng đối với anh, nhưng em không làm sao được. Hay... hay là anh đừng đi nhé?

- Không được, anh đã nhận lời rồi, em phải để cho anh đi, vì anh ở đây cũng đâu có làm gì cho em được, anh chỉ biết đứng nhìn em thôi, em lúc nào cũng xa vời vợi, mà anh thì không thể nào với tới...

Vẫn tiếng nói nghẹn-ngào lúc nãy:

- Không, anh đừng với tới em, vì anh với tới em sẽ khổ thêm nữa, em muốn duy trì khoảng-cách đó, em biết em ích-kỷ khi giữ khoảng-cách đó giữa em và anh, nhưng em vẫn muốn anh lúc nào cũng có đấy để em yên tâm hơn khi biết anh vẫn quan tâm đến em, vẫn dõi mắt theo cuộc sống của em, bởi với em, anh là Ông Thần Hộ Mạng của em anh biết không?...Anh đi rồi, em làm sao đây?

Sự im lặng chìm vào khoảng trống, có tiếng nấc nhẹ, có tiếng thở dài, những vòng tròn khói thuốc lơ lửng bay lên cao, tiếng nói trầm buồn cất lên:

- Rồi đâu cũng vào đấy cả, như khi chưa có em, chưa có anh... mình phải quay lưng lại nhau và bước tới.

- Nhưng em không muốn quay lưng lại, em mệt lắm, cuộc sống này nặng nề quá, không có anh chia xẻ những nỗi khổ đau oằn nặng trên vai làm sao em chịu được, em cảm thấy em không còn sức nữa. Em tưởng đâu anh và em sẽ cứ như vầy mãi cho đến hết cuộc đời, để rồi mình nhìn thấy nhau thay đổi theo cuộc sống, để em được rưng-rưng thấy tóc anh thay màu, để anh được ngậm-ngùi nhìn em nhạt-nhoà theo thời gian... em đâu có ngờ anh không cùng một ý nghĩ đó với em nên anh mới muốn ra đi...

- Có, có chứ, anh cũng đã nghĩ đến, anh đã nghĩ rất nhiều, nhưng rồi sau đó mình sẽ ra sao? cho dù có ngàn năm sau đi chăng nữa em vẫn cũng là em và anh vẫn cứ là anh, anh thấy anh đi là đúng nhất. Đừng níu kéo anh, anh cũng tiếc không được nhìn em mỗi ngày, không được thấy sự đổi thay của nhau mai kia, nhưng thôi...

- Hôm qua em có đọc được một bài thơ trên báo, em muốn đọc cho anh nghe một đoạn.

"Không có vườn hoa nào hoàn hảo,
Nếu thiếu sự dịu ngọt của một đoá hồng tươi,
Không có cuộc đời nào hoàn hảo
Nếu đường đời thiếu người bước chung đôi..."

Im lặng, tiếng nói buồn buồn cất lên:

- Nhưng đời em, đời anh nào có nhau bên cạnh? anh chỉ là cái bóng sau lưng em, anh chỉ là người đứng bên lề nhìn em... hãy để anh làm một điều gì đó cho riêng anh, đừng bắt anh làm cái bóng bên cạnh em nữa, anh cũng mệt mỏi lắm em biết không? Hơn nửa đời người rồi còn gì... em nín đi đừng khóc nữa, không có anh rồi em cũng sẽ quen thôi.

Tiếng khóc tấm tức:

- Làm sao em quen được khi nơi này không còn anh nữa, không còn tiếng cười đùa của anh, không có cả mùi thuốc lá lảng-vảng trong không khí nữa. Anh đi là hết, em chẳng còn gì cho riêng em. Em đau, đâu có anh để săn sóc từng viên thuốc với những cái nhìn e-ngại, đâu có anh để nhắc em đem theo áo ấm những lúc trời đổi mùa... anh đi, anh mang theo tất cả, anh mang cả nụ cười của em đi theo nữa anh biết không? Anh không nghĩ gì đến em nữa.

Tiếng năn-nỉ:

- Em đừng trẻ con, em đừng nói nữa, em càng nói em càng làm khổ anh thêm... Sắp đến giờ anh phải đi, cho anh ôm em lần cuối.

Tiếng khóc rấm-rức như cố ngăn những tiếng tức-tưởi:

- Em thật sự không muốn anh đi đâu cả, nhưng anh đã chọn cho anh một con đường riêng, em đành chấp nhận với chính em để anh đi với những gì anh mong muốn, em mong anh sẽ tìm gặp cái hạnh phúc mà anh đã thiếu vắng từ lâu, nhưng không ai được quyền làm khổ anh, chỉ ngoài em ra thôi phải không?... Ồ, em lại ích kỷ nữa rồi, hãy quên em nếu anh muốn, anh không cần phải nghĩ đến em nữa, nếu có nghĩ đến hãy nghĩ về em như một quá khứ ngọt ngào để yêu đời, để bước tới, để bình an khi nghĩ về dĩ-vãng. Rất tiếc mình biết nhau quá muộn để không bao giờ là của nhau, rất tiếc đường đời mình không đi chung, nhưng dù sao những năm dài vừa qua cũng đủ là những món quà quý giá cho riêng mình phải không anh?...

Tiếng người đàn ông cất lên thật buồn, thật xa xăm như đến từ một nơi nào đó:

- Anh không bao giờ quên em được, bởi em là một cái gì thật đặc biệt, thật cao quý mà anh chưa thấy ở một ai, em như một bình pha-lê không tỳ vết cho dù đời đôi lúc đã hất-hủi em, đã tắm em bằng những giọt nước mắt không hạnh-phúc, nhưng anh biết chắc chắn một điều là anh sẽ không thể nào quên em được, suốt đời anh mong và cầu cho em hạnh phúc, mong nụ cười của em tươi mãi để con đường em đi không còn chông gai, không còn gập ghềnh, để anh được yên tâm mà không phải quay lại đắn đo khi bước tới. Anh đi rồi, dù ở nơi xa-xăm nào đó em hãy nghĩ anh vẫn là cái bóng sau lưng em, anh vẫn có đây, anh không đi đâu cả... Xe xắp đến... em về đi, cho anh đi.

Sự im lặng chìm vào khoảng trống, tiếng khóc vẫn nức-nở hoà lẫn tiếng thở dài não-nuột. Một lúc, tiếng chân vội vã bước nhanh... xa dần... xa dần. Quay lại, đôi măt nào đó vẫn nhìn theo từ một khung cửa sổ trên cao...

Một ngày trôi qua, 2 ngày trôi qua, 3 ngày rồi cứ từng ngày trôi qua... nơi đây không còn giống thời gian nào đó nữa, tất cả như xa xôi, xa xôi lắm... Bên ngoài trời vẫn mưa rả-rích, gió thổi mạnh làm rụng đầy lá trên sân, những hạt mưa rơi hắt vào cửa kiếng, ngoài đường vắng tanh, thỉnh thoảng một vài chiếc xe chạy nhanh trên đường làm bắn tung-toé những vũng nước mưa đọng đang phập phồng bong-bóng. Tỳ trán vào khung cửa kính, cái lạnh của những hạt mưa bên ngoài, cái lạnh cô-đơn trong lòng người ở lại, giọt nước mắt nào rơi xuống, rơi xuống và... rơi xuống...



Nguyen Thi Te Hat

Ngày Mưa






Sáng nay mưa rơi nhiều
Ướt cả đường em đi
Tóc em vờn trong gió
Lệ em buồn hoen mi

Khoảng trống đầy lòng đau
Day dứt một nỗi sầu
Thương ai mà ngại nói
Thương mình từng giọt châu

Sương phủ mờ ngoài kia
Như đan kín khung trời
Giam em trong ngục kín
Tình buồn sầu lên khơi

Mưa gió cứ đi về
Hờ hững nỗi đam mê
Yêu người không đúng chỗ
Tình ơi! sao ê chề...


Nguyễn Thị Tê Hát

Wednesday, April 22, 2009

Hương Vị Cafe Đắng


Anh mời em...
Sao lại mời cafe đắng
Cho lưỡi em tê dại
Cho đắng ngắt lịm vào hồn đau
Cho em nát mối duyên đầu

Anh mời em...
Sao không mời ly cam ngọt
Cho đường thấm vào môi
Cho nụ hôn ngọt lịm
Cho tình mình lên ngôi

Anh đừng làm em đau
Bởi cafe anh mời
Như đắng cay đi vào đời
Làm tim em đơn côi

Cafe mang vị đắng
Chuyên chở tình dại si
Hương cafe đi vào mộng mị
Nên tình vội bỏ đi

Café đắng - đắng cuộc tình
Đắng như chất độc rã rời tình em


Nguyễn Thị Tê Hát

Lạc Mất Đời Nhau!


Ta sẽ tìm nhau ở chốn nào
Trong từng ký ức mãi còn đau
Hay trong biển nhớ vùng nước mắt
Hay giữa đại dương mỏi cánh sầu

Ta sẽ tìm nhau ở chốn nào
Mà sao tình vẫn ngút niềm đau
Vòng tay trống trải đêm băng giá
Nghe hồn vỡ vụn giấc chiêm bao

Ta đã lạc nhau từ thuở nào
Mà đời vô vọng quá lao đao
Đêm nay bỗng thấy hồn day dứt
Hai đứa tìm nhau giữa nghẹn ngào


Nguyễn Thị Tê Hát

Tuesday, April 21, 2009

Bóng Tôi




Sáng trăng sáng quá tội nghiệp tôi
Đừng chiếu soi chi dáng ngậm ngùi
Tôi đã không là tôi ngày cũ
Xin đừng chiếu mãi bóng hình tôi

Trăng cứ... Ô kìa trăng nhởn nhơ
Chiếu sáng tôi chi những dại khờ
Trăng đùa chi mãi cho tôi khổ
Như lòng tan vỡ một chiều mơ

Đưa tay che khuất bóng trăng soi
Bóng tối trùm đầy lên bóng tôi
Cúi mặt ôm sầu rưng rưng khóc
Nghẹn ngào thương tội một bóng tôi


Nguyễn Thị Tê Hát

Tháng Tư Đen!



Anh giờ yên giấc ngủ
Chìm đắm trong mộ sâu
Tháng Tư Đen lại đến
Anh chẳng còn thương đau

Trời bão giông thổi ngược
Làm tan tác đời nhau
Bao tình nhân dang dở
Vỡ vụn ước mơ đầu

Bạn em từng cánh nhạn
Chiêm chiếp nỗi đau mình
Giữa giòng đời khốn khổ
Đánh mất một cuộc tình

Tháng tư về em nhớ
Nên buồn mãi không thôi
Như rong rêu bám chặt
Nỗi đau này sao nguôi!

Anh giờ trong huyệt lạnh
Có biết lòng em đau?
Tiếc hoài tình tan vỡ
Giờ không còn có nhau

Vùng cô đơn tóc rối
Em che mặt nghẹn lời
Giữa quê người xứ lạ
Khóc mãi tình chia phôi...


Nguyễn Thị Tê Hát

Thursday, April 16, 2009

Gợi Nhớ

Tháng tư buồn gợi nhớ
Quê mẹ đầy thương đau
Trời cuồng phong bao phủ
Người ngỡ ngàng nhìn nhau

Biển một thời sóng dữ
Vùi dập thuyền mong manh
Lòng người như bão táp
Đắm chìm trong gian nan

Đất trời cơn gió lộng
Đưa đẩy thuyền ra khơi
Bao năm trời xứ lạ
Nỗi buồn làm sao nguôi?

Tháng tư về gợi nhớ
Cho tràn trề cơn đau
Vết thương hồ rỉ máu
Biết bao giờ quên mau?


Nguyễn Thị Tê Hát

Wednesday, April 15, 2009

Nỗi Buồn Vu Quy



Cái ngày chị bước sang sông
Là ngày chị khóc thật nhiều em ơi!
Cả nhà thờ ... họ chơi vơi
Nhìn cô dâu nhỏ không ngơi lệ tràn
Nơi đây mình chị võ vàng
Tay đeo nhẫn cưới ngỡ ngàng nhìn nhau
Gia đình, bố mẹ giờ đâu ?
Chị em, bạn hữu vì sao một mình
Người ta đám cưới linh đình
Có quan hai họ, có người đưa dâu
Nơi đây xứ lạ mưa ngâu
Chỉ mình chị bước qua cầu em ơi!
Chàng nhìn cũng nghẹn không lời
Thương cho thân chị, nắm tay vỗ về
Tủi thân nước mắt não nề
Áo khăn ngày cưới ê hề nỗi đau
Thương chàng chị gắng qua cầu
Không lời bày tỏ nỗi đau ẩn hình
Thế nên cái vận không xinh
Cứ nằm trong đáy tâm hồn đến nay
Nên giờ ngút mắt tầm tay
Hồn thơ chị bỗng tuôn tràn lên đây
Thương mình tội nghiệp thân gầy
Nửa đêm thức giấc!... ôi chao là buồn!


Nguyễn Thị Tê Hát

Nỗi Buồn Tôi!


Anh có nghe mưa rơi
Từng giọt nhỏ xuống đời
Nghe như sao vỡ vụn
Nghe như sao lạc loài

Rượu nồng mời anh cạn
Uống cùng tôi đêm nay
Uống cho quên tất cả
Cho chìm vào cơn say

Anh uống đi!... tôi kể
Những thất vọng trong đời
Những đắng cay không cạn
Cứ cuồn cuộn trôi xuôi

Tôi!... con tim dại khờ
Cứ đầy ắp mong chờ
Bao năm hoài khốn khổ
Thất vọng cuồng trong mơ

Hôm qua tôi mong ngóng
Hôm qua tôi đợi chờ
Hôm nay tôi mệt mỏi
Con tim giờ bơ vơ

Hoa ai vừa gởi tặng
Không là người tôi mong
Bàn tay tôi dệt mộng
Giờ chỉ là tay không

Kìa, anh uống nữa đi
Đừng nói một lời gì
Đừng làm tôi hoen mắt
Lệ đang tràn ướt mi

Tôi buồn, tôi đang khóc
Lệ hòa lẫn vào ly
Con tim giờ buốt giá
Trách đời mình vô vi!...


Nguyễn Thị Tê Hát

Đợi Mong!


Sáng nay có nắng hong vàng
Có con chim nhỏ ngỡ ngàng trước sân
Phân vân lòng bỗng ngại ngần
Nửa như muốn trả tình chân hôm nào
Chim đau dấu giọt lệ trào
Vụt bay vào cõi hư hao một mình


Hôm nay mưa lại đầy trời
Bên ngoài gió lại vật vờ lá cây
Nỗi lòng cứ mãi đắng cay
Tìm về dĩ vãng hôm qua mà buồn

Biết rằng hạnh phúc không còn
Biết rằng chim vẫn còn bay chưa về
Thì thôi dù dạ não nề
Cũng đành ngồi đợi vân vê nỗi buồn


Nguyễn Thị Tê Hát

Tuesday, April 14, 2009

Đời Không Như Ý


Con đã biết cuộc đời không như ý
Ngay từ đầu nhưng vẫn cứ ngu ngơ
Để giờ đây tình thay đổi bất ngờ
Con lại thấy lòng hoang mang vô kể

Nhưng Chúa ơi! Con nào đâu có tội?
Để bây giờ gánh vác cả hai vai
Những nỗi buồn nặng trĩu quá miệt mài
Con kiệt sức, hao mòn nghe yếu đuối

Tuy biết trước cuộc đời là dâu bể
Lẫn lọc lừa, gian dối vẫn giăng giăng
Nên lời kinh, mỗi tối vẫn thì thầm
Xin Chúa cứu cuộc đời con nghiệt ngã

Thuở xa xưa, con ngây thơ ngoan đạo
Đến giáo đường những sáng thật tinh sương
Thánh lễ ban mai, hồn chẳng vấn vương
Một chút bụi trần gian ai bỏ ngỏ

Nhưng đất nước đã trải qua bão tố
Giữa cuộc đời con rẽ một đường đi
Đức tin con năm tháng vẫn khắc ghi
Không mai một, dù đời con khổ ải

Trần gian lại là đường dài lồi lõm
Lắm gập ghềnh con Chúa ngã nhiều phen
Nhưng Chúa thương nâng đỡ đã ủi an
Đã che chở những lần con vấp bước

Để hôm nay, con như tàn hơi sức
Xin Chúa Trời giang rộng một vòng tay
Hãy cứu con thoát khỏi nỗi đau này
Cho con được yêu người thôi hận ghét...


Nguyễn Thị Tê Hát

Đời Chia Hai Lối













Đã hết yêu, thì thôi đừng quay lại
Lưng vào nhau, để bước tới tương lai
Đừng dùng dằng, đừng chua chát mỉa mai
Đừng trách cứ, khi đời chia đôi ngã

Đã hết yêu, thì thôi đừng kể lể
Đừng buông lời cay đắng khổ lòng nhau
Đừng giả vờ, đừng than vãn thương đau
Đừng bào chữa, đem tình nhau rao bán

Đã hết yêu, thì thôi đành chấp nhận
Khi con đường rẽ lối kể từ đây
Bởi đường đời không đi trọn kiếp này
Thì thôi hãy, mỗi người đi mỗi ngã


Nguyễn Thị Tê Hát

Phai Một Cuộc Tình







Sáng nay trời lộng gió
Thênh thang đường em đi
Nỗi đau nào cuộn nhớ
Rưng buồn lệ hoen mi

Chuyện đời ai biết được
Lòng người trắng thay đen
Tình giờ không như ý
Nên tình đành riêng mang

Người quay lưng ngoảnh mặt
Cho lòng em ngút đau
Đứng nhìn mà lệ ứa
Tim giờ như hố sâu

Sáng nay trời gió lộng
Thổi lốc cuộc tình phai
Mắt nai giờ nhòa nhạt
Tình bây giờ không ngai!...


Nguyễn Thị Tê Hát

Con Chim Quý



Xưa anh ví em như loài chim quý
Vùng trời xanh, anh sợ rộng cánh bay
Nên nhốt em vào hạnh phúc đong đầy
Anh khóa kín linh hồn em từ đấy

Bao năm qua, con chim non bé nhỏ
Khép cuộc đời dấu mặt giữa lồng son
Nhưng bây giờ... hạnh phúc đã không còn
Con chim quý ôm buồn thương một kiêp

Tình ngày xưa, bây giờ thành hư ảo
Để mình em đơn độc giữa thế gian
Để tim em phủ kín một màu tang
Cho đêm tối nghe lòng lao xao khổ

Ngày tháng trôi, ngẫm cuộc đời vất vả
Trái tình yêu thành trái đắng hôm nay
Dù mai sau, đi hết cuộc đời này
Anh hãy nhớ, em mãi là Chim Quý.


Nguyễn Thị Tê Hát

Saturday, April 11, 2009

Nhớ Qui Nhơn



Biển núi, ghềnh cao vẫn đợi chờ
Nhưng người lữ thứ còn xa quê
Bao năm canh cánh ôm lòng nhớ
Khắc khoải trong tim muốn trở về

Qui Nhơn ngày ấy vội lìa xa
Bỏ lại sau lưng những thiết tha
Mắt lệ rưng rưng buồn nhớ mãi
Một vùng ký ức tuổi xuân hoa

Dãy núi ngày nay vẫn hiền hòa
Như nửa vòng tay bao bọc che
Mộ Hàn Mặc Tử vầy mưa gió
Làm chứng cuộc tình quá phong ba

Biển vẫn xanh màu, sóng nhấp nhô
Bãi cát hình như vẫn ngóng chờ
Cù lao năm tháng cùng sương phủ
Huyền hoặc tình tôi với san hô

Ai có về thăm lại chốn xưa
Làm ơn cho nhắn chút tình thơ
Hảnh trang tôi gởi, trời thương nhớ
Của kẻ tha hương, ngóng trở về...


Nguyễn Thị Tê Hát

Thursday, March 12, 2009

Con Cuốn Chiếu


Con cuốn chiếu cuộn tròn trong nỗi nhớ
Dấu cuộc tình ngày ấy đã rong rêu
Tháng năm qua vàng võ với cô liêu
Con cuốn chiếu niệm hoài câu kinh khổ

Đêm vắng lặng không một vì sao tỏ
Tiếng thì thầm vang vọng cõi hư vô
Gió lạnh bên ngoài thêm nỗi bơ vơ
Hồn yếu đuối bỗng nghe đời rất lạ

Con cuốn chiếu chiều nay rưng rưng lệ
Thương thân mình tội nghiệp giữa nhân gian
Ôm đắng cay cho nát cả tâm can
Con cuốn chiếu cuộn tròn câu kinh khổ


Nguyễn Thị Tê Hát

Saturday, February 21, 2009

Tháng Hai Vẫn Lạnh


Tháng hai trời vẫn lạnh
Gió lộng thổi từng cơn
Tuy nắng vàng lóng lánh
Nhảy múa trên cây cành

Trời bây giờ tháng hai
Sao mưa về nơi đây
Những giọt buồn thánh thót
Vang vọng từ cõi nao

Người giờ đâu người hỡi
Có còn ngóng nhịp cầu
Mong bầy chim Ô Thườc
Bắc nhịp cầu cho nhau?

Em đợi chờ mòn mỏi
Trong vùng ký ức sâu
Đêm từng đêm trăn trở
Dệt những vần thơ yêu

Thơ em bằng tiếng thở
Bằng những nỗi bi ai
Bằng con tim rướm đỏ
Bằng một đời thương vay

Lòng em ngổn ngang lắm
Nên đôi lúc lạc vần
Ý thơ rời rạc chữ
Trong em mãi muộn phiền

Đêm tháng hai vẫn lạnh
Em đứng nhìn qua song
Nhìn trời cao tinh tú
Sao nào của riêng em?

Bầu trời đêm thăm thẳm
Lấp lánh ngàn vì sao
Nơi góc trời riêng rẻ
Có vì sao đơn hành...


Nguyễn Thị Tê Hát

Sunday, February 15, 2009

Thằng Vũ



Vũ, Vũ của tôi không phải là thằng Vũ của nhà văn Duyên Anh, không phải thằng Vũ may mắn ra đời nơi chôn nhau cắt rốn. Nơi quê hương có những con sông uốn mình bên những rặng tre làng, nơi có những cánh đồng lúa xanh rì thơm mùi lúa mới, để thằng Vũ của tôi được hồn nhiên nô đùa với bạn bè, thả diều trong những chiều lộng gió, để được hươu vượn, lém lỉnh với bạn bè bằng tiếng mẹ đẻ, để được lớn lên vẫy vùng trong những cái hay, cái đẹp của quê hương mình.

Vũ của tôi! - Vâng, Vũ của tôi ra đời nơi xứ lạ quê người, nơi văn hóa Đông - Tây xung đột, nơi ngôn-ngữ không hòa đồng, nơi tình thương kiêu sa hợm-hĩnh. Nơi không có những trưa hè oi ả với những tiếng ve kêu, với phượng đỏ bên đường, với sáo diều bay cao để rồi Vũ của tôi không biết thế nào là bâng- khuâng, xúc-động khi nhìn mây bay, gió thổi, lá rơi ngoài sân hay trước ngõ.

Khi Vũ của tôi còn bé xíu, bố mẹ vì cuộc sống bôn ba nơi xứ người nên phải đem Vũ đi nhà trẻ từ sáng sớm cho đến chiều. Cứ như vậy cho đến khi đi học. Hầu như cả ngày Vũ của tôi sống với người lạ, thở chung cái không khí của người lạ và tập nói, tập nghe với những người không cùng màu da, không cùng giòng giống Tiên Rồng nên Vũ của tôi ngày nay không biết ăn nước mắm, để rồi không thông suốt một câu nói, không hiểu hết ý một câu nói bằng tiếng quê hương để đôi lúc làm bố mẹ phải sượng sùng vì những câu nói không gẫy gọn của con mình.

Một hôm nhà có khách, lúc khách sắp sửa ra về, khách đứng lên xoa đầu Vũ chào từ giã, bố mẹ nhắc:

- Chào bác đi con

Vũ của tôi ngọng-nghịu khoanh tay:

- Dạ thưa bạc Vũ về

Cả nhà bật cười vì câu nói của Vũ

- Vũ về, thế Vũ về đâu?

Vũ của tôi đỏ mặt muốn khóc vì không hiểu tại sao cả nhà lại cười cho đến khi mẹ cắt nghĩa thằng bé mới hiểu như thế nào. Khi cuốn băng "Sài Gòn Giã Biệt" vừa tung ra thị trường, hầu như nhà nào cũng xem qua, cũng có cho được để hong lại nhớ nhung về một quê hương đã mất, mất tự do, mất quyền làm người, dù quê hương Việt Nam vẫn còn đó, còn đó trong khổ đau, trong chịu đựng tù hãm. Những khung cảnh ngày xưa, những giòng nhạc năm nào đã đưa người xem vào kỷ-niệm, kỷ niệm đầy ắp của một đời người, để rồi nhớ nhung quay quắt, cồn cào, đến thèm khát ước ao được trở về sống lại một ngày, một ngày của ngày xưa, để được chen chân trong phố đông người, để được lang thang trên những con đường vắng vẻ đầy lá me bay, để được đùa giỡn đá tung những chiếc lá vàng dưới gót giầy, hay được cười đùa với bạn bè trong những quán cóc bên đường, bên những ly chè ngọt lịm, hay bên những chén bánh bèo nóng hổi...

Đang mê man với "Vùng trời kỷ niệm", chợt thấy thằng con chạy ùa vào, nhà tôi nắm ngay lấy:

- Vũ, ngồi xuống đây xem với ba mẹ, Vũ thấy Việt Nam quê mình đẹp không? Mai mốt thanh bình ba mẹ đưa Vũ về Việt Nam nhé, Vũ thích không?

Thằng bé hý hửng:

- Nhưng Việt Nam có "cartoon" không ba? Có "fun" không ba?

- Có chứ, phim cartoon ở VN người ta gọi là phim họat-họa, nhưng hòa bình rồi mình xem phim ấy làm gì? mình sẽ đi khắp quê hương từ Bắc ra Nam, mình sẽ đi thăm những thắng cảnh mà cả đời ba mẹ ước ao được đặt chân đến. Mình sẽ đi nhiều nơi, mình sẽ biết hết về quê hương mình, để sau này lớn lên, có ai hỏi con, quê hương con thế nào? ra sao? con mới biết để trả lời người ta... con hiểu không? Vậy Vũ ngồi đây xem với ba mẹ nhé!

Thằng bé nghe lời bố ngồi im một lúc rồi ngập ngừng lên tiếng:

- Nhưng con không hiểu họ nói gì, "borring" lắm.

Tôi dỗ dành:

- Con cứ ngồi yên xem, nếu con không hiểu, mẹ sẽ cắt nghĩa cho con nghe.

Thế là vô tình tôi lại biến thành một diễn giảng viên tuyệt vời không tiền thù lao cho cuốn phim "Sài Gòn Giã Biệt", bởi thằng Vũ của tôi quá ư là dốt tiếng mẹ đẻ, dù nhà tôi cứ phải lên tiếng:

- Thôi, nói vậy đủ rồi, khổ lắm nói mãi, không để cho người ta nghe, cứ làm như mình là Dạ Lan không bằng.

Những cảnh chèo thuyền trên sông lững lờ, những mái nhà sàn đơn sơ nghèo nàn nằm trên giòng nước đen sì, những con đường ngòng nghèo khúc-khỉu bên những rặng tre làng. Những người đàn bà quẩy lúa trên đê... tất cả đối với tôi sao nên thơ lạ... Những cảnh hùng dũng của các binh chủng duyệt binh ngang khán đài làm tôi ngậm ngùi và thương cho một VN thảm thương, rách nát và nhiều oan-nghiệt. Nhưng với Vũ của tôi, cu cậu thích chí, mải mê theo dõi, vì những cảnh trên màn ảnh lúc này quá khác lạ với những chương trình mà Vũ của tôi hằng theo dõi.

Trên màn ảnh nhỏ đang chiếu sang đường phố Sài Gòn sau ngày 30 tháng 4, năm 75. Với những xe cộ chạy ngổn ngang hầu như không luật lệ cho người lái xe lẫn khách bộ hành. Chợt thấy xe cyclo, tôi hỏi con vì biết thằng bé chưa bao giờ trông thấy:

- Mẹ đố Vũ nhé, xe gì đây?

Thằng bé nhanh nhẹn trả lời:

- Con biết rồi, xe chở người bị đau phải không mẹ?

Nghe câu trả lời của con, chúng tôi khựng lại vài giây nhìn nhau, rồi lại nhìn thằng bé. Thằng bé thấy bố mẹ nhìn, liền đi một đường phân bua, giả thích:

- Ba Mẹ thấy không? người ngồi trên xe bị đau nên cái ông đó chở đi nhà thương phải không mẹ?

Nghe Vũ của tôi giải thích, tôi chỉ biết im lặng, không biết cắt nghĩa thế nào để cho con hiểu đó cũng là một phương tiện chuyên chở hành khách như bao nhiêu phương tiện khác. Biết con hiểu lầm nhưng vì đầu óc quá ngây thơ nên tôi không sao mở miệng đính chính với con được. Dù sao tôi cũng phải công nhận sự nhận-xét của thằng Vũ nơi đây rất xác đáng, vì với xã hội hiện tại có Vũ trong đó, có quá nhiều tự do, có quá nhiều nhân quyền thì làm sao Vũ hiểu được chỉ có những nước kém mở mang như nước mình mới có những loại xe có vẻ thực dân như vậy.

Ngày xưa lúc còn ở quê nhà, mỗi lần thấy ông cụ gầy ốm, gò lưng đạp xe cho qua dốc cầu Trương Minh Giảng một cách thật khó khăn, tội nghiệp, có khi người lái xe phải xuống, dùng hết sức mình để ráng đẩy cho xe lên dốc cầu vì người ngồi trên xe không lấy gì làm nhẹ nhàng cho lắm. Những lúc đó, tôi cảm thấy buồn buồn và ngậm ngùi cho số phận con người vô cùng, dù tôi hiểu cái xã hội của tôi đang sống là thế, nhưng tôi vẫn cảm thấy cay đắng làm sao, cảnh tượng ấy cứ ám ảnh tôi mãi cho dù khi vô tình nhìn thấy những chiếc xe cyclo nằm chơ-vơ bên đường đợi khách đi chăng nữa.

Vũ của tôi lớn lên, nơi có tự do tuyệt đối, nơi không một hạn chế quyền làm người nên Vũ của tôi rất ư là tự nhiên, tự nhiên như thế giới này là của Vũ và chỉ có Vũ mà thôi, nên hắn chẳng có những cái khép nép e dè của một đứa bé VN thuần túy trước mặt người lạ bao giờ. Một lần đến nhà người quen trả sách, chủ nhà mời:

- Cô Chú dùng cafe nhé!

- Dạ không, cám ơn anh

Chưa dứt lời, thằng con yêu quý của chúng tôi đã vội vàng lên tiếng:

- Dạ uống, Vũ uống.

Bố Mẹ và cả chủ nhà ngẩn người vì hắn, thế mà hắn cứ tỉnh như không, mặc bố mẹ đỏ mặt sượng chín người vì con. Giận con vô lễ, giận con lắm, nhưng vẫn ráng nhỏ nhẹ:

- Vũ! cafe đắng lắm, con uống không được đâu.

Vũ của tôi lại cứ thản nhiên làm tôi muốn độn thổ:

- Vũ uống được mà, Bố Nho cho Vũ uống hoài.

Thì ra cũng tại ông bố đỡ đầu của con tôi, thế này là hại chúng tôi rồi, có ngờ đâu mỗi lần thấy Bố đỡ đầu đến là hắn cứ xúm lại... thì ra chỉ để lén mẹ ăn kẹo và uống cafe đá như vậy. Trước mặt chủ nhà, tôi lại cứ phải xuống giọng êm ái như mía lùi, miệng nói, tay nhéo thật đau vao mông cho hắn im miệng.

- Vũ hư, im nhé!

Về nhà Vũ của tôi bị phạt chỉ vì quá ngây ngô, không biết gì đến lịch sự, lễ phép của một đứa bé VN phải có. Nhớ ngày xưa khi còn bé, mỗi lần nhà có khách, mải chơi không chào, nhưng khi thấy bố mẹ nhìn một cái là mấy chị em tự động ríu rít khoanh tay chào khách, và khi bố mẹ nhìn một cái nữa là biết phải đi rót nước mời khách hay phải đi chỗ khác để bố mẹ nói chuyện, chứ đâu có như thằng Vũ của tôi... Bố mẹ càng nhìn, hắn càng làm ra vẻ không hiểu, không biết gì. Hay tại cái nhìn của chúng tôi không đủ mãnh lực bằng cái nhìn của ông bố nhà binh?...Biết tính con nên mỗi lần sắp sửa đến chơi nhà ai, tôi lại cứ phải dặn đi dặn lại:

- Vũ đến chơi nhớ chào nhé, Vũ phải chào bằng tiếng Việt, mẹ không bằng lòng Vũ nói "hai" nghe chưa?... Nói không nghe, về nhà mẹ đánh chết.

Thằng bé xịu mặt, nói nhỏ:

- Sao mẹ không thương con? Mẹ cứ đòi đánh chết con hoài, cả ba cũng vậy nữa.

Tôi ngẩn người, trợn mắt:

- Vũ nói bậy không à, mẹ đòi đánh chết con bao giờ?

Hắn đỏ mặt muốn khóc, phân-bua:

- Mẹ vừa nói nếu đến nhà ai Vũ không chào, về nhà mẹ sẽ đánh chết.

Đó, con trai tôi đó, thằng Vũ của tôi đó. Nói chuyện với hắn rất là mệt, vì nói đi thì phải trở lại cắt nghĩa câu nói vừa rồi để anh chàng hiểu rõ ý nghĩa câu nói hơn, bởi văn chương VN quá phong phú, đậm đà mà những người như Vũ làm sao hiểu nổi.

Một hôm được tin gia đình tôi sắp sang Canada, chúng tôi đang ngồi nói chuyện về ông bà ngoại, các dì, các cậu của Vũ. Hắn lắng nghe, chợt quay sang hỏi mẹ:

- Mẹ, bao giờ ông bà ngoại sang Canada hả mẹ?

-Khoảng tháng 6 ông bà mới sang được con.

Vũ của tôi đắn đo suy nghĩ một lúc rồi nói:

- Mẹ, Vũ chưa biết mặt bà ngoại "Nó" ra làm sao hết.

Chúng tôi giật mình nhìn con, hốt hoảng như Mẹ tôi có thể nghe được câu nói của thằng cháu ngoại yêu quý mà bà vẫn nhắc trong thư. Tôi lại phải mượn ngôn ngữ mà Vũ thông thạo để cắt nghĩa ngôn ngữ mẹ đẻ cho Vũ hiểu dễ dàng hơn:

- Con không được dùng chữ "Nó" khi con nói về một người lớn tuổi, con chỉ có thể dùng khi con nói về người nào nhỏ tuổi hơn con thôi, nghe không? Con phải nói là "Mẹ ơi, con chưa biết mặt bà ngoại", chứ con không được nói là "Con chưa biết mặt bà Ngoại Nó ra làm sao hết" nhé!... con nói như vậy, người ta sẽ bảo con trai của mẹ hỗn, bà ngoại nghe được, bà ngoại sẽ buồn nghe không con?

Nhiều lúc chán nản vì ngôn ngữ không thống nhất giữa vợ chồng, lại còn sự rắc rối trong một ngôn ngữ khó thông cảm giữa mẹ và con, nên tôi cứ như một cái chong chóng, quay lung tung để đỡ đòn từ bố đến con... nhiều đêm trằn trọc không ngủ được, vắt tay lên trán để tự hỏi, không biết đến bao giờ thì con trai tôi mới có thể biết đọc, biêt viết một lá thư? dù nhiều lầm lỗi chính tả, đặt câu đi chăng nữa. Gặp bạn bè có than thở thì lại... con tôi cũng thế. Thật rõ chán cho kiếp người xa xứ. Đã vậy Vũ của tôi lại lười ăn, mỗi lần ăn thật là khổ, cứ phải nhắc đi, nhắc lại:

- Vũ, ăn lẹ lên đi.

Thằng bé lại cứ thắc mắc cầm chén cơm đi theo hỏi:

- Mẹ, ăn xong mình đi đâu hả mẹ?

Nhiều lúc đang bận, con thì cứ léo nhéo bên tai, bực mình gắt ầm lên:

- Đi đâu?... ăn xong thì ở nhà chứ đi đâu?

Thằng bé già mồm:

- Con vừa nghe mẹ nói "Vũ, ăn lẹ lên đi" phải không?

Những lúc như vậy, tôi chỉ muốn chạy bay ra ngoài để hít một hơi thật dài cho vơi bơt tức-tối chỉ vì ngôn ngữ bất đồng giữa 2 mẹ con. Cái ngôn ngữ mà tôi đã biết yêu từ lúc chào đời, chưa biết gì ngoài những âm thanh dịu dàng của người mẹ. Cái ngôn ngữ phong phú đáng yêu, nhiều ý nghĩa mà tôi vẫn thường cùng các bạn tung hoành múa lưỡi trong những giờ trần thuyêt nay đã khong còn ý nghĩa mấy đối với Vũ của tôi.

Thằng Vũ của tôi, nó mang cái tên thằng Vũ của nhà văn Duyên Anh, nhưng không biết dùng ngôn ngữ của chính mình để lý sự, để giải bày, để tâm sự mà lại vay mượn một ngôn ngữ khác để đàm thoại, để bắt bẻ. Ba mẹ tôi khi còn ở VN, thư nào gởi sang cũng đều nhắc nhở "Các con phải dậy con cái nói tiếng Việt, phải biết yêu tiếng Việt thì mới còn là người VN, đừng để con cái quên gốc, quên nguồn.." đọc thư ông cụ, tôi cảm thấy thẹn và xấu hổ cho chính mình, vì chính tôi đã không làm được những gì mà ba mẹ tôi mong muốn, không làm được những gì mà tâm tư tôi luôn khao-khát. Nhiều lúc cố gắng chỉ cho con đọc, con đánh vần thì con lại đọc theo kiểu người ngoại-quốc học tiếng Việt, không dấu, đã vậy nói năng thì lung tung, không đầu không đuôi, nửa Việt, nửa Mỹ nghe không êm tai tý nào. Thỉnh thoảng thằng bé lại bị đòn oan chỉ vì ngôn ngữ giữa mẹ và con không thông suốt, chỉ vì gia tài ngôn ngữ quê hương của con quá nghèo nàn nên không đủ cắt nghĩa sự thắc mắc của mẹ, nhiều lúc kẹt chữ nghĩa quá, anh chàng bèn năn nỉ:

- Thôi, mẹ cho con nói tiếng Mỹ đại đi, chứ con nói tiếng Việt mẹ cứ hỏi hoài à.

Những lúc đi làm về, vừa lo cơm nước, vừa dọn dẹp, bận vô cùng, thế mà thằng con và đám bạn cứ ào-ào với nhau, hết chuyện này đến chuyện nọ như cả năm không gặp, đến nỗi không chịu nổi, tôi phải hét lên:

- Im ngay, mẹ không bằng lòng nói tiếng Anh trong nhà này nữa, muốn nói gì, nói bằng tiếng Việt, bằng không đi về hết.

Thằng con ngây ngô bảo mẹ:

- Nhưng tụi con đâu có nói tiếng Anh, tụi con nói tiếng Mỹ mà.

- Mỹ, Anh gì cũng vậy hết.

Thằng bạn của Vũ con tệ hơn vì không hiểu tôi nói gì, cứ đi theo kéo áo Vũ hỏi:

- Vũ, mẹ Vũ nói gì vậy?

Vũ kéo bạn ra chỗ khác nói nhỏ:

- Mẹ Vũ bảo đừng nói tiếng Mỹ nữa, nói bằng tiếng Việt.

Thế là tôi lại có sự im lặng tuyệt vời trong lúc dọn dẹp, nấu nướng vì các khách tý hon và Vũ của tôi không đủ vốn liếng tiếng mẹ đẻ để nói chuyện với nhau như tiếng Anh được... Nghĩ cũng tội nghiệp cho những đứa trẻ sanh tại đất khách quê người như thằng Vũ của tôi... Nơi tình thương lơi là không mấy nồng ấm, bởi bố mẹ đi làm quần quật từ sáng đến chiều, đâu có đủ thì giờ để gần gũi, chuyện trò tâm sự với con, đâu có đủ thì giờ để tìm hiểu con nghĩ gì, muốn gì? Chỉ biết cho con ăn ngon, mặc đẹp, nhưng có biết đâu chúng cũng cần đến tình thương, sự quan tâm của bố mẹ. Suốt 8 tiếng trong trường với những người không là ruột thịt, chiều đi học về lại bám vào TV vì mẹ bận lo cơm nước, dọn dẹp. Đến giờ ăn cơm, tắm rửa, mẹ kiểm soát bài vở một tý là đến giờ đi ngủ. Cứ như thế ngày này sang ngày khác, năm này sang năm kia thì hỏi làm sao trẻ con nơi này không tội nghiệp, không cô đơn cho được. Liệu khi lớn lên có còn xem gia đình là một quan trọng, cần thiết trong cuộc sống, trong sự liên hệ giữa cha mẹ, anh em như một đứa bé thuần túy VN? Chắc chắn là không bằng một đứa trẻ sanh tại VN, được nuôi dưỡng bằng bầu sữa mẹ, bằng những miếng cơm nhai, bằng khí hậu đất trời quê nhà, bằng gói quà của những lần mẹ đi chợ về và bằng cả một tình thương rộng lớn bao bọc bởi cha mẹ, anh em, họ hàng, xóm giềng, đâu phải như bên này, đã không đủ tình thương gia đình, họ hàng có khi cả mấy năm không gặp, còn hàng xóm thì nhà nào nhà nấy đóng cửa im lìm, cách biệt.

Vũ của tôi là thằng bé có quá nhiều dấu hỏi trong đầu và những dấu hỏi ấy cứ to dần, lớn dần để tạo thành những câu hỏi thật khó khăn, oái oăm cho bố mẹ. Một hôm đang sửa soạn cơm chiều, Vũ của tôi lại gần nhỏ nhẹ, thận trọng hỏi mẹ:

- Me, Mẹ cho con hỏi cái này được không?

- Được chứ, Vũ hỏi gì?

Với khuôn mặt đăm chiêu, thằng bé hỏi:

- Mẹ, tại sao ba mẹ không đặt tên Mỹ cho con? Ba Mẹ đổi tên cho con được không? Con thích tên Bryan, Michael hơn.

Đang cắt rau, nghe con nói giật mình đến suýt cắt phải vào tay. Lặng nhìn con giây lát, tôi ôm thằng bé, chỉ bóng con trong gương, vỗ về, cắt nghĩa:

- Này nhé Vũ xem, mũi Vũ đâu có cao? Tóc Vũ đâu có vàng và mắt của Vũ đâu có xanh thì làm sao Mẹ lấy tên Mỹ đặt cho con được... Mình là người VN thì mình phải có tên VN chứ, Vũ hiểu không?

Nói với con, tôi chợt nhớ có lần đi làm giấy tờ, người thư-ký không cần hỏi tên, cứ việc viết vào giấy và chào làm tôi trố mắt ngạc nhiên:

- Ủa, sao ông biết tên tôi?

Người thư ký thản nhiên cười:

- Biết chứ, vì người VN nào cũng tên Nguyễn cả

Tôi bật cười vì lý luận đơn sơ đó và lúc này, con trai tôi lại muốn từ chối cái tên mà thuở còn đi học, tôi và đám bạn đã mộng mơ viết đầy những tên mình thích lên trang vở và bảo:

- Mai mốt có con gái tao sẽ đặt tên này... con trai tao sẽ chọn tên này..."

Để sau đó cả đám con gái lăn ra cười và bảo nhau:

- Tụi mình có phải là gà đâu mà chọn nhiều tên thế?

Vũ cắt ngang tư tưởng tôi đang miên-man nghĩ. Hắn bảo mẹ:

- Mẹ, thế tại sao bác Chương cũng VN như mình sao bác lại đặt tên con bác là Kevin đó, con thấy có sao đâu?

Nghe con lý luận ngây ngô làm tôi ngẩn người giây lát, ôm con, tôi dỗ dành:

- Ừ, không sao cả, tại bác Chương thích, còn ba mẹ thì không? Vả lại con biết tên Vũ của con là cái tên mẹ thích nhất từ khi mẹ còn đi học, cái tên ấy có nhiều ý nghĩa nên cả ba cũng thích nữa, còn tên Mỹ con biết không? chẳng ý nghĩa gì hết.

Thằng bé nghe mẹ cắt nghĩa cũng êm tai nên không còn thắc mắc gì về cái tên thuần túy VN của mình. Nhưng đôi khi Vũ của tôi lại hư, dám dùng "gậy ông đập lưng ông" với cả bố mẹ nữa. Có lần lái xe đường xa, chúng tôi đang thả hồn theo tiếng hát Thái Thanh vào động hoa vàng, thằng bé phũ phàng chồm lên trên đưa tay tắt máy, định đổi băng nhạc.

- Vũ, tại sao lại tắt máy không để ba mẹ nghe?

Thằng bé phụng phịu:

- Con muốn nghe nhạc Michael Jackson hơn.

Nhà tôi lại đem chiêu bài cũ nhai đi, nhai lại để bắt nạt thằng bé:

- Vũ là người VN, Vũ phải yêu nhạc VN, Vũ có phải là Mỹ đâu mà cứ đòi nghe nhạc Michael Jackson hoài vậy?

Thằng bé dù mới 4 tuổi, nhưng cũng hiểu những gì bố nói nên chịu thua ngồi im. Nhưng sau đó vào một lần khác, khi chúng tôi đang nghe nhạc từ radio, tiếng người ca sĩ mềm mại dễ thương đang hát một bản nhạc quen quen làm tôi lâng-lâng hát theo. Chợt Vũ của tôi đưa tay tắt radio làm tôi cụt hứng:

- Mẹ bực mình quá, Vũ bất lịch sự ghê đi, tại sao mẹ đang nghe mà Vũ lại tắt? Vũ làm như vậy có biết là hỗn không? Mẹ không bằng lòng Vũ làm như vậy nữa nghe không?

- Thằng bé biết mẹ giận nên nhanh nhẹn lui ra ghế sau ngồi, gọn gàng trả lời mẹ:

- Tại ba mẹ là người VN, ba mẹ phải nghe nhạc VN.

Thế là bố mẹ nhìn nhau đành im lặng không nói được gì trước cái lý sự của con.

Vũ của tôi, thằng Vũ mà tôi yêu thương nhất trên đời từ khi còn là giọt máu chưa tượng hình trong bụng. Thằng Vũ đã đem đến cho tôi nhiều hoài bão, nhiều ước ao, và cũng đem đến cho chúng tôi nhiều suy tư, khắc khoải khi nhìn sự khôn lớn của con mỗi ngày. Tôi mơ khi con tôi lớn lên, tôi sẽ dậy con tôi nói, con tôi đọc những tiếng Việt thân yêu mà tổ tiên tôi đã dầy công chau chuốt để ngày thêm phong phú, thêm đậm đà. Tôi sẽ dậy con những bài ca dao nói về tình dân tộc, tình quê hương. Tôi sẽ dậy con tập đọc những bài tập đọc đã thấm vào da thịt tôi khi còn bé "Hôm nay ngày khai trường, lá ngoài đường rụng nhiều..." hay những áng văn hay, nhẹ nhàng thanh thoát của những nhà văn tiền chiến một thời đã làm tôi say mê, xúc động... Tôi mơ, vâng tôi mơ nhiều lắm... Tôi mơ quê hương tôi sẽ có một ngày thanh bình, ngày không còn chiến tranh, nước mắt, ngày không còn tiếng súng nổ để bao người tha hương trên khắp địa cầu được hân hoan dắt tay nhau trở về, để cùng nhau xây dựng lại một quê hương ấm no, hạnh phúc, để tôi được dắt con đi khắp đó đây trên đất Việt. Để tôi được đưa con đi qua những nơi tôi đã lớn lên, những nơi tuổi thơ hạnh phúc của tôi trải dài trên đó, để thằng Vũ của tôi phải hiểu thế nào là hãnh diện to lớn của một đời người còn có một quê hương để gọi, còn có một quê-hương để trở về.

Con yêu của mẹ! dù con không là thằng Vũ tuyệt vời của Duyên Anh, dù con chỉ là một thằng Vũ ngây thơ, chưa thông thạo gẫy gọn một câu nói bằng tiếng mẹ đẻ, dù con chưa hiểu hết ý của một câu nói VN, nhưng nơi con... Con đã biết thế nào là Việt Nam, con đã gọi hai chữ VIỆT NAM trên môi con thật rõ ràng và cũng trong con đã gói ghém cả tâm hồn đất Việt trong trên gọi, trong thân xác bé nhỏ của con mà mẹ đã suốt đời đặt để trong đó... Hãy lớn lên, hãy ngẩng mặt lên hỡi con trai của mẹ... Bởi con sẽ là một trong những rường cột tương lai của đất nước Viêt Nam sau này...


Viết cho Con, Nguyễn Minh Vũ
(1990)
Nguyễn Thị Tê Hát