Saturday, February 21, 2009

Tháng Hai Vẫn Lạnh


Tháng hai trời vẫn lạnh
Gió lộng thổi từng cơn
Tuy nắng vàng lóng lánh
Nhảy múa trên cây cành

Trời bây giờ tháng hai
Sao mưa về nơi đây
Những giọt buồn thánh thót
Vang vọng từ cõi nao

Người giờ đâu người hỡi
Có còn ngóng nhịp cầu
Mong bầy chim Ô Thườc
Bắc nhịp cầu cho nhau?

Em đợi chờ mòn mỏi
Trong vùng ký ức sâu
Đêm từng đêm trăn trở
Dệt những vần thơ yêu

Thơ em bằng tiếng thở
Bằng những nỗi bi ai
Bằng con tim rướm đỏ
Bằng một đời thương vay

Lòng em ngổn ngang lắm
Nên đôi lúc lạc vần
Ý thơ rời rạc chữ
Trong em mãi muộn phiền

Đêm tháng hai vẫn lạnh
Em đứng nhìn qua song
Nhìn trời cao tinh tú
Sao nào của riêng em?

Bầu trời đêm thăm thẳm
Lấp lánh ngàn vì sao
Nơi góc trời riêng rẻ
Có vì sao đơn hành...


Nguyễn Thị Tê Hát

Sunday, February 15, 2009

Thằng Vũ



Vũ, Vũ của tôi không phải là thằng Vũ của nhà văn Duyên Anh, không phải thằng Vũ may mắn ra đời nơi chôn nhau cắt rốn. Nơi quê hương có những con sông uốn mình bên những rặng tre làng, nơi có những cánh đồng lúa xanh rì thơm mùi lúa mới, để thằng Vũ của tôi được hồn nhiên nô đùa với bạn bè, thả diều trong những chiều lộng gió, để được hươu vượn, lém lỉnh với bạn bè bằng tiếng mẹ đẻ, để được lớn lên vẫy vùng trong những cái hay, cái đẹp của quê hương mình.

Vũ của tôi! - Vâng, Vũ của tôi ra đời nơi xứ lạ quê người, nơi văn hóa Đông - Tây xung đột, nơi ngôn-ngữ không hòa đồng, nơi tình thương kiêu sa hợm-hĩnh. Nơi không có những trưa hè oi ả với những tiếng ve kêu, với phượng đỏ bên đường, với sáo diều bay cao để rồi Vũ của tôi không biết thế nào là bâng- khuâng, xúc-động khi nhìn mây bay, gió thổi, lá rơi ngoài sân hay trước ngõ.

Khi Vũ của tôi còn bé xíu, bố mẹ vì cuộc sống bôn ba nơi xứ người nên phải đem Vũ đi nhà trẻ từ sáng sớm cho đến chiều. Cứ như vậy cho đến khi đi học. Hầu như cả ngày Vũ của tôi sống với người lạ, thở chung cái không khí của người lạ và tập nói, tập nghe với những người không cùng màu da, không cùng giòng giống Tiên Rồng nên Vũ của tôi ngày nay không biết ăn nước mắm, để rồi không thông suốt một câu nói, không hiểu hết ý một câu nói bằng tiếng quê hương để đôi lúc làm bố mẹ phải sượng sùng vì những câu nói không gẫy gọn của con mình.

Một hôm nhà có khách, lúc khách sắp sửa ra về, khách đứng lên xoa đầu Vũ chào từ giã, bố mẹ nhắc:

- Chào bác đi con

Vũ của tôi ngọng-nghịu khoanh tay:

- Dạ thưa bạc Vũ về

Cả nhà bật cười vì câu nói của Vũ

- Vũ về, thế Vũ về đâu?

Vũ của tôi đỏ mặt muốn khóc vì không hiểu tại sao cả nhà lại cười cho đến khi mẹ cắt nghĩa thằng bé mới hiểu như thế nào. Khi cuốn băng "Sài Gòn Giã Biệt" vừa tung ra thị trường, hầu như nhà nào cũng xem qua, cũng có cho được để hong lại nhớ nhung về một quê hương đã mất, mất tự do, mất quyền làm người, dù quê hương Việt Nam vẫn còn đó, còn đó trong khổ đau, trong chịu đựng tù hãm. Những khung cảnh ngày xưa, những giòng nhạc năm nào đã đưa người xem vào kỷ-niệm, kỷ niệm đầy ắp của một đời người, để rồi nhớ nhung quay quắt, cồn cào, đến thèm khát ước ao được trở về sống lại một ngày, một ngày của ngày xưa, để được chen chân trong phố đông người, để được lang thang trên những con đường vắng vẻ đầy lá me bay, để được đùa giỡn đá tung những chiếc lá vàng dưới gót giầy, hay được cười đùa với bạn bè trong những quán cóc bên đường, bên những ly chè ngọt lịm, hay bên những chén bánh bèo nóng hổi...

Đang mê man với "Vùng trời kỷ niệm", chợt thấy thằng con chạy ùa vào, nhà tôi nắm ngay lấy:

- Vũ, ngồi xuống đây xem với ba mẹ, Vũ thấy Việt Nam quê mình đẹp không? Mai mốt thanh bình ba mẹ đưa Vũ về Việt Nam nhé, Vũ thích không?

Thằng bé hý hửng:

- Nhưng Việt Nam có "cartoon" không ba? Có "fun" không ba?

- Có chứ, phim cartoon ở VN người ta gọi là phim họat-họa, nhưng hòa bình rồi mình xem phim ấy làm gì? mình sẽ đi khắp quê hương từ Bắc ra Nam, mình sẽ đi thăm những thắng cảnh mà cả đời ba mẹ ước ao được đặt chân đến. Mình sẽ đi nhiều nơi, mình sẽ biết hết về quê hương mình, để sau này lớn lên, có ai hỏi con, quê hương con thế nào? ra sao? con mới biết để trả lời người ta... con hiểu không? Vậy Vũ ngồi đây xem với ba mẹ nhé!

Thằng bé nghe lời bố ngồi im một lúc rồi ngập ngừng lên tiếng:

- Nhưng con không hiểu họ nói gì, "borring" lắm.

Tôi dỗ dành:

- Con cứ ngồi yên xem, nếu con không hiểu, mẹ sẽ cắt nghĩa cho con nghe.

Thế là vô tình tôi lại biến thành một diễn giảng viên tuyệt vời không tiền thù lao cho cuốn phim "Sài Gòn Giã Biệt", bởi thằng Vũ của tôi quá ư là dốt tiếng mẹ đẻ, dù nhà tôi cứ phải lên tiếng:

- Thôi, nói vậy đủ rồi, khổ lắm nói mãi, không để cho người ta nghe, cứ làm như mình là Dạ Lan không bằng.

Những cảnh chèo thuyền trên sông lững lờ, những mái nhà sàn đơn sơ nghèo nàn nằm trên giòng nước đen sì, những con đường ngòng nghèo khúc-khỉu bên những rặng tre làng. Những người đàn bà quẩy lúa trên đê... tất cả đối với tôi sao nên thơ lạ... Những cảnh hùng dũng của các binh chủng duyệt binh ngang khán đài làm tôi ngậm ngùi và thương cho một VN thảm thương, rách nát và nhiều oan-nghiệt. Nhưng với Vũ của tôi, cu cậu thích chí, mải mê theo dõi, vì những cảnh trên màn ảnh lúc này quá khác lạ với những chương trình mà Vũ của tôi hằng theo dõi.

Trên màn ảnh nhỏ đang chiếu sang đường phố Sài Gòn sau ngày 30 tháng 4, năm 75. Với những xe cộ chạy ngổn ngang hầu như không luật lệ cho người lái xe lẫn khách bộ hành. Chợt thấy xe cyclo, tôi hỏi con vì biết thằng bé chưa bao giờ trông thấy:

- Mẹ đố Vũ nhé, xe gì đây?

Thằng bé nhanh nhẹn trả lời:

- Con biết rồi, xe chở người bị đau phải không mẹ?

Nghe câu trả lời của con, chúng tôi khựng lại vài giây nhìn nhau, rồi lại nhìn thằng bé. Thằng bé thấy bố mẹ nhìn, liền đi một đường phân bua, giả thích:

- Ba Mẹ thấy không? người ngồi trên xe bị đau nên cái ông đó chở đi nhà thương phải không mẹ?

Nghe Vũ của tôi giải thích, tôi chỉ biết im lặng, không biết cắt nghĩa thế nào để cho con hiểu đó cũng là một phương tiện chuyên chở hành khách như bao nhiêu phương tiện khác. Biết con hiểu lầm nhưng vì đầu óc quá ngây thơ nên tôi không sao mở miệng đính chính với con được. Dù sao tôi cũng phải công nhận sự nhận-xét của thằng Vũ nơi đây rất xác đáng, vì với xã hội hiện tại có Vũ trong đó, có quá nhiều tự do, có quá nhiều nhân quyền thì làm sao Vũ hiểu được chỉ có những nước kém mở mang như nước mình mới có những loại xe có vẻ thực dân như vậy.

Ngày xưa lúc còn ở quê nhà, mỗi lần thấy ông cụ gầy ốm, gò lưng đạp xe cho qua dốc cầu Trương Minh Giảng một cách thật khó khăn, tội nghiệp, có khi người lái xe phải xuống, dùng hết sức mình để ráng đẩy cho xe lên dốc cầu vì người ngồi trên xe không lấy gì làm nhẹ nhàng cho lắm. Những lúc đó, tôi cảm thấy buồn buồn và ngậm ngùi cho số phận con người vô cùng, dù tôi hiểu cái xã hội của tôi đang sống là thế, nhưng tôi vẫn cảm thấy cay đắng làm sao, cảnh tượng ấy cứ ám ảnh tôi mãi cho dù khi vô tình nhìn thấy những chiếc xe cyclo nằm chơ-vơ bên đường đợi khách đi chăng nữa.

Vũ của tôi lớn lên, nơi có tự do tuyệt đối, nơi không một hạn chế quyền làm người nên Vũ của tôi rất ư là tự nhiên, tự nhiên như thế giới này là của Vũ và chỉ có Vũ mà thôi, nên hắn chẳng có những cái khép nép e dè của một đứa bé VN thuần túy trước mặt người lạ bao giờ. Một lần đến nhà người quen trả sách, chủ nhà mời:

- Cô Chú dùng cafe nhé!

- Dạ không, cám ơn anh

Chưa dứt lời, thằng con yêu quý của chúng tôi đã vội vàng lên tiếng:

- Dạ uống, Vũ uống.

Bố Mẹ và cả chủ nhà ngẩn người vì hắn, thế mà hắn cứ tỉnh như không, mặc bố mẹ đỏ mặt sượng chín người vì con. Giận con vô lễ, giận con lắm, nhưng vẫn ráng nhỏ nhẹ:

- Vũ! cafe đắng lắm, con uống không được đâu.

Vũ của tôi lại cứ thản nhiên làm tôi muốn độn thổ:

- Vũ uống được mà, Bố Nho cho Vũ uống hoài.

Thì ra cũng tại ông bố đỡ đầu của con tôi, thế này là hại chúng tôi rồi, có ngờ đâu mỗi lần thấy Bố đỡ đầu đến là hắn cứ xúm lại... thì ra chỉ để lén mẹ ăn kẹo và uống cafe đá như vậy. Trước mặt chủ nhà, tôi lại cứ phải xuống giọng êm ái như mía lùi, miệng nói, tay nhéo thật đau vao mông cho hắn im miệng.

- Vũ hư, im nhé!

Về nhà Vũ của tôi bị phạt chỉ vì quá ngây ngô, không biết gì đến lịch sự, lễ phép của một đứa bé VN phải có. Nhớ ngày xưa khi còn bé, mỗi lần nhà có khách, mải chơi không chào, nhưng khi thấy bố mẹ nhìn một cái là mấy chị em tự động ríu rít khoanh tay chào khách, và khi bố mẹ nhìn một cái nữa là biết phải đi rót nước mời khách hay phải đi chỗ khác để bố mẹ nói chuyện, chứ đâu có như thằng Vũ của tôi... Bố mẹ càng nhìn, hắn càng làm ra vẻ không hiểu, không biết gì. Hay tại cái nhìn của chúng tôi không đủ mãnh lực bằng cái nhìn của ông bố nhà binh?...Biết tính con nên mỗi lần sắp sửa đến chơi nhà ai, tôi lại cứ phải dặn đi dặn lại:

- Vũ đến chơi nhớ chào nhé, Vũ phải chào bằng tiếng Việt, mẹ không bằng lòng Vũ nói "hai" nghe chưa?... Nói không nghe, về nhà mẹ đánh chết.

Thằng bé xịu mặt, nói nhỏ:

- Sao mẹ không thương con? Mẹ cứ đòi đánh chết con hoài, cả ba cũng vậy nữa.

Tôi ngẩn người, trợn mắt:

- Vũ nói bậy không à, mẹ đòi đánh chết con bao giờ?

Hắn đỏ mặt muốn khóc, phân-bua:

- Mẹ vừa nói nếu đến nhà ai Vũ không chào, về nhà mẹ sẽ đánh chết.

Đó, con trai tôi đó, thằng Vũ của tôi đó. Nói chuyện với hắn rất là mệt, vì nói đi thì phải trở lại cắt nghĩa câu nói vừa rồi để anh chàng hiểu rõ ý nghĩa câu nói hơn, bởi văn chương VN quá phong phú, đậm đà mà những người như Vũ làm sao hiểu nổi.

Một hôm được tin gia đình tôi sắp sang Canada, chúng tôi đang ngồi nói chuyện về ông bà ngoại, các dì, các cậu của Vũ. Hắn lắng nghe, chợt quay sang hỏi mẹ:

- Mẹ, bao giờ ông bà ngoại sang Canada hả mẹ?

-Khoảng tháng 6 ông bà mới sang được con.

Vũ của tôi đắn đo suy nghĩ một lúc rồi nói:

- Mẹ, Vũ chưa biết mặt bà ngoại "Nó" ra làm sao hết.

Chúng tôi giật mình nhìn con, hốt hoảng như Mẹ tôi có thể nghe được câu nói của thằng cháu ngoại yêu quý mà bà vẫn nhắc trong thư. Tôi lại phải mượn ngôn ngữ mà Vũ thông thạo để cắt nghĩa ngôn ngữ mẹ đẻ cho Vũ hiểu dễ dàng hơn:

- Con không được dùng chữ "Nó" khi con nói về một người lớn tuổi, con chỉ có thể dùng khi con nói về người nào nhỏ tuổi hơn con thôi, nghe không? Con phải nói là "Mẹ ơi, con chưa biết mặt bà ngoại", chứ con không được nói là "Con chưa biết mặt bà Ngoại Nó ra làm sao hết" nhé!... con nói như vậy, người ta sẽ bảo con trai của mẹ hỗn, bà ngoại nghe được, bà ngoại sẽ buồn nghe không con?

Nhiều lúc chán nản vì ngôn ngữ không thống nhất giữa vợ chồng, lại còn sự rắc rối trong một ngôn ngữ khó thông cảm giữa mẹ và con, nên tôi cứ như một cái chong chóng, quay lung tung để đỡ đòn từ bố đến con... nhiều đêm trằn trọc không ngủ được, vắt tay lên trán để tự hỏi, không biết đến bao giờ thì con trai tôi mới có thể biết đọc, biêt viết một lá thư? dù nhiều lầm lỗi chính tả, đặt câu đi chăng nữa. Gặp bạn bè có than thở thì lại... con tôi cũng thế. Thật rõ chán cho kiếp người xa xứ. Đã vậy Vũ của tôi lại lười ăn, mỗi lần ăn thật là khổ, cứ phải nhắc đi, nhắc lại:

- Vũ, ăn lẹ lên đi.

Thằng bé lại cứ thắc mắc cầm chén cơm đi theo hỏi:

- Mẹ, ăn xong mình đi đâu hả mẹ?

Nhiều lúc đang bận, con thì cứ léo nhéo bên tai, bực mình gắt ầm lên:

- Đi đâu?... ăn xong thì ở nhà chứ đi đâu?

Thằng bé già mồm:

- Con vừa nghe mẹ nói "Vũ, ăn lẹ lên đi" phải không?

Những lúc như vậy, tôi chỉ muốn chạy bay ra ngoài để hít một hơi thật dài cho vơi bơt tức-tối chỉ vì ngôn ngữ bất đồng giữa 2 mẹ con. Cái ngôn ngữ mà tôi đã biết yêu từ lúc chào đời, chưa biết gì ngoài những âm thanh dịu dàng của người mẹ. Cái ngôn ngữ phong phú đáng yêu, nhiều ý nghĩa mà tôi vẫn thường cùng các bạn tung hoành múa lưỡi trong những giờ trần thuyêt nay đã khong còn ý nghĩa mấy đối với Vũ của tôi.

Thằng Vũ của tôi, nó mang cái tên thằng Vũ của nhà văn Duyên Anh, nhưng không biết dùng ngôn ngữ của chính mình để lý sự, để giải bày, để tâm sự mà lại vay mượn một ngôn ngữ khác để đàm thoại, để bắt bẻ. Ba mẹ tôi khi còn ở VN, thư nào gởi sang cũng đều nhắc nhở "Các con phải dậy con cái nói tiếng Việt, phải biết yêu tiếng Việt thì mới còn là người VN, đừng để con cái quên gốc, quên nguồn.." đọc thư ông cụ, tôi cảm thấy thẹn và xấu hổ cho chính mình, vì chính tôi đã không làm được những gì mà ba mẹ tôi mong muốn, không làm được những gì mà tâm tư tôi luôn khao-khát. Nhiều lúc cố gắng chỉ cho con đọc, con đánh vần thì con lại đọc theo kiểu người ngoại-quốc học tiếng Việt, không dấu, đã vậy nói năng thì lung tung, không đầu không đuôi, nửa Việt, nửa Mỹ nghe không êm tai tý nào. Thỉnh thoảng thằng bé lại bị đòn oan chỉ vì ngôn ngữ giữa mẹ và con không thông suốt, chỉ vì gia tài ngôn ngữ quê hương của con quá nghèo nàn nên không đủ cắt nghĩa sự thắc mắc của mẹ, nhiều lúc kẹt chữ nghĩa quá, anh chàng bèn năn nỉ:

- Thôi, mẹ cho con nói tiếng Mỹ đại đi, chứ con nói tiếng Việt mẹ cứ hỏi hoài à.

Những lúc đi làm về, vừa lo cơm nước, vừa dọn dẹp, bận vô cùng, thế mà thằng con và đám bạn cứ ào-ào với nhau, hết chuyện này đến chuyện nọ như cả năm không gặp, đến nỗi không chịu nổi, tôi phải hét lên:

- Im ngay, mẹ không bằng lòng nói tiếng Anh trong nhà này nữa, muốn nói gì, nói bằng tiếng Việt, bằng không đi về hết.

Thằng con ngây ngô bảo mẹ:

- Nhưng tụi con đâu có nói tiếng Anh, tụi con nói tiếng Mỹ mà.

- Mỹ, Anh gì cũng vậy hết.

Thằng bạn của Vũ con tệ hơn vì không hiểu tôi nói gì, cứ đi theo kéo áo Vũ hỏi:

- Vũ, mẹ Vũ nói gì vậy?

Vũ kéo bạn ra chỗ khác nói nhỏ:

- Mẹ Vũ bảo đừng nói tiếng Mỹ nữa, nói bằng tiếng Việt.

Thế là tôi lại có sự im lặng tuyệt vời trong lúc dọn dẹp, nấu nướng vì các khách tý hon và Vũ của tôi không đủ vốn liếng tiếng mẹ đẻ để nói chuyện với nhau như tiếng Anh được... Nghĩ cũng tội nghiệp cho những đứa trẻ sanh tại đất khách quê người như thằng Vũ của tôi... Nơi tình thương lơi là không mấy nồng ấm, bởi bố mẹ đi làm quần quật từ sáng đến chiều, đâu có đủ thì giờ để gần gũi, chuyện trò tâm sự với con, đâu có đủ thì giờ để tìm hiểu con nghĩ gì, muốn gì? Chỉ biết cho con ăn ngon, mặc đẹp, nhưng có biết đâu chúng cũng cần đến tình thương, sự quan tâm của bố mẹ. Suốt 8 tiếng trong trường với những người không là ruột thịt, chiều đi học về lại bám vào TV vì mẹ bận lo cơm nước, dọn dẹp. Đến giờ ăn cơm, tắm rửa, mẹ kiểm soát bài vở một tý là đến giờ đi ngủ. Cứ như thế ngày này sang ngày khác, năm này sang năm kia thì hỏi làm sao trẻ con nơi này không tội nghiệp, không cô đơn cho được. Liệu khi lớn lên có còn xem gia đình là một quan trọng, cần thiết trong cuộc sống, trong sự liên hệ giữa cha mẹ, anh em như một đứa bé thuần túy VN? Chắc chắn là không bằng một đứa trẻ sanh tại VN, được nuôi dưỡng bằng bầu sữa mẹ, bằng những miếng cơm nhai, bằng khí hậu đất trời quê nhà, bằng gói quà của những lần mẹ đi chợ về và bằng cả một tình thương rộng lớn bao bọc bởi cha mẹ, anh em, họ hàng, xóm giềng, đâu phải như bên này, đã không đủ tình thương gia đình, họ hàng có khi cả mấy năm không gặp, còn hàng xóm thì nhà nào nhà nấy đóng cửa im lìm, cách biệt.

Vũ của tôi là thằng bé có quá nhiều dấu hỏi trong đầu và những dấu hỏi ấy cứ to dần, lớn dần để tạo thành những câu hỏi thật khó khăn, oái oăm cho bố mẹ. Một hôm đang sửa soạn cơm chiều, Vũ của tôi lại gần nhỏ nhẹ, thận trọng hỏi mẹ:

- Me, Mẹ cho con hỏi cái này được không?

- Được chứ, Vũ hỏi gì?

Với khuôn mặt đăm chiêu, thằng bé hỏi:

- Mẹ, tại sao ba mẹ không đặt tên Mỹ cho con? Ba Mẹ đổi tên cho con được không? Con thích tên Bryan, Michael hơn.

Đang cắt rau, nghe con nói giật mình đến suýt cắt phải vào tay. Lặng nhìn con giây lát, tôi ôm thằng bé, chỉ bóng con trong gương, vỗ về, cắt nghĩa:

- Này nhé Vũ xem, mũi Vũ đâu có cao? Tóc Vũ đâu có vàng và mắt của Vũ đâu có xanh thì làm sao Mẹ lấy tên Mỹ đặt cho con được... Mình là người VN thì mình phải có tên VN chứ, Vũ hiểu không?

Nói với con, tôi chợt nhớ có lần đi làm giấy tờ, người thư-ký không cần hỏi tên, cứ việc viết vào giấy và chào làm tôi trố mắt ngạc nhiên:

- Ủa, sao ông biết tên tôi?

Người thư ký thản nhiên cười:

- Biết chứ, vì người VN nào cũng tên Nguyễn cả

Tôi bật cười vì lý luận đơn sơ đó và lúc này, con trai tôi lại muốn từ chối cái tên mà thuở còn đi học, tôi và đám bạn đã mộng mơ viết đầy những tên mình thích lên trang vở và bảo:

- Mai mốt có con gái tao sẽ đặt tên này... con trai tao sẽ chọn tên này..."

Để sau đó cả đám con gái lăn ra cười và bảo nhau:

- Tụi mình có phải là gà đâu mà chọn nhiều tên thế?

Vũ cắt ngang tư tưởng tôi đang miên-man nghĩ. Hắn bảo mẹ:

- Mẹ, thế tại sao bác Chương cũng VN như mình sao bác lại đặt tên con bác là Kevin đó, con thấy có sao đâu?

Nghe con lý luận ngây ngô làm tôi ngẩn người giây lát, ôm con, tôi dỗ dành:

- Ừ, không sao cả, tại bác Chương thích, còn ba mẹ thì không? Vả lại con biết tên Vũ của con là cái tên mẹ thích nhất từ khi mẹ còn đi học, cái tên ấy có nhiều ý nghĩa nên cả ba cũng thích nữa, còn tên Mỹ con biết không? chẳng ý nghĩa gì hết.

Thằng bé nghe mẹ cắt nghĩa cũng êm tai nên không còn thắc mắc gì về cái tên thuần túy VN của mình. Nhưng đôi khi Vũ của tôi lại hư, dám dùng "gậy ông đập lưng ông" với cả bố mẹ nữa. Có lần lái xe đường xa, chúng tôi đang thả hồn theo tiếng hát Thái Thanh vào động hoa vàng, thằng bé phũ phàng chồm lên trên đưa tay tắt máy, định đổi băng nhạc.

- Vũ, tại sao lại tắt máy không để ba mẹ nghe?

Thằng bé phụng phịu:

- Con muốn nghe nhạc Michael Jackson hơn.

Nhà tôi lại đem chiêu bài cũ nhai đi, nhai lại để bắt nạt thằng bé:

- Vũ là người VN, Vũ phải yêu nhạc VN, Vũ có phải là Mỹ đâu mà cứ đòi nghe nhạc Michael Jackson hoài vậy?

Thằng bé dù mới 4 tuổi, nhưng cũng hiểu những gì bố nói nên chịu thua ngồi im. Nhưng sau đó vào một lần khác, khi chúng tôi đang nghe nhạc từ radio, tiếng người ca sĩ mềm mại dễ thương đang hát một bản nhạc quen quen làm tôi lâng-lâng hát theo. Chợt Vũ của tôi đưa tay tắt radio làm tôi cụt hứng:

- Mẹ bực mình quá, Vũ bất lịch sự ghê đi, tại sao mẹ đang nghe mà Vũ lại tắt? Vũ làm như vậy có biết là hỗn không? Mẹ không bằng lòng Vũ làm như vậy nữa nghe không?

- Thằng bé biết mẹ giận nên nhanh nhẹn lui ra ghế sau ngồi, gọn gàng trả lời mẹ:

- Tại ba mẹ là người VN, ba mẹ phải nghe nhạc VN.

Thế là bố mẹ nhìn nhau đành im lặng không nói được gì trước cái lý sự của con.

Vũ của tôi, thằng Vũ mà tôi yêu thương nhất trên đời từ khi còn là giọt máu chưa tượng hình trong bụng. Thằng Vũ đã đem đến cho tôi nhiều hoài bão, nhiều ước ao, và cũng đem đến cho chúng tôi nhiều suy tư, khắc khoải khi nhìn sự khôn lớn của con mỗi ngày. Tôi mơ khi con tôi lớn lên, tôi sẽ dậy con tôi nói, con tôi đọc những tiếng Việt thân yêu mà tổ tiên tôi đã dầy công chau chuốt để ngày thêm phong phú, thêm đậm đà. Tôi sẽ dậy con những bài ca dao nói về tình dân tộc, tình quê hương. Tôi sẽ dậy con tập đọc những bài tập đọc đã thấm vào da thịt tôi khi còn bé "Hôm nay ngày khai trường, lá ngoài đường rụng nhiều..." hay những áng văn hay, nhẹ nhàng thanh thoát của những nhà văn tiền chiến một thời đã làm tôi say mê, xúc động... Tôi mơ, vâng tôi mơ nhiều lắm... Tôi mơ quê hương tôi sẽ có một ngày thanh bình, ngày không còn chiến tranh, nước mắt, ngày không còn tiếng súng nổ để bao người tha hương trên khắp địa cầu được hân hoan dắt tay nhau trở về, để cùng nhau xây dựng lại một quê hương ấm no, hạnh phúc, để tôi được dắt con đi khắp đó đây trên đất Việt. Để tôi được đưa con đi qua những nơi tôi đã lớn lên, những nơi tuổi thơ hạnh phúc của tôi trải dài trên đó, để thằng Vũ của tôi phải hiểu thế nào là hãnh diện to lớn của một đời người còn có một quê hương để gọi, còn có một quê-hương để trở về.

Con yêu của mẹ! dù con không là thằng Vũ tuyệt vời của Duyên Anh, dù con chỉ là một thằng Vũ ngây thơ, chưa thông thạo gẫy gọn một câu nói bằng tiếng mẹ đẻ, dù con chưa hiểu hết ý của một câu nói VN, nhưng nơi con... Con đã biết thế nào là Việt Nam, con đã gọi hai chữ VIỆT NAM trên môi con thật rõ ràng và cũng trong con đã gói ghém cả tâm hồn đất Việt trong trên gọi, trong thân xác bé nhỏ của con mà mẹ đã suốt đời đặt để trong đó... Hãy lớn lên, hãy ngẩng mặt lên hỡi con trai của mẹ... Bởi con sẽ là một trong những rường cột tương lai của đất nước Viêt Nam sau này...


Viết cho Con, Nguyễn Minh Vũ
(1990)
Nguyễn Thị Tê Hát

Ngày Xửa - Ngày Xưa


Điện thoại reo vang, vừa cầm điện thoại lên chưa kịp nói đã bị con bạn đầu giây xỉ vả là điện thoại gọi hoài mà không thấy đâu, nó có biết là tôi không còn là tôi, đầu óc tôi lung tung vì nghĩ nát đầu cũng không thể nào tìm được tin con bạn ở nơi có danh từ nên thơ "Thung Lũng Hoa Vàng", nhờ người đến tìm, nhà đã đổi chủ, ĐT lại không liên lạc được, tìm số phone ông anh bạn, số phone unlist. Vào Google tìm hãng Cessna của ông anh, hãng thông báo layoff 2000 nhân viên, trên website không có số điện thoại của phòng nhân viên... tất cả như đi vào ngõ cụt... thua, tôi lại thua nữa rồi...

Trên đường đi làm, trên đường về đầu óc mông lung, cuộc đời sống khó và chết dễ thế sao? Cuộc đời phù vân thế sao?... sự chán nản như tuyệt vọng, không muốn về nhà, cứ lang thang trong shopping hay một mình vào rạp cine sau những giờ làm việc...hoặc tiện tay mua sắm cho thỏa thích nhân dịp mùa sale nên đầu óc cũng tiêu diêu nỗi buồn phần nào...

Con bạn bên kia đầu giây tối nay giọng vui như sáo, đang líu lo hồ hởi kể chuyện ngày xửa ngày xưa, chuyện mà thời gian 2 "chúng nó" cùng lớn lên ở miền quê nghèo nàn, thời mà người ta chưa biết dùng tên trong khai sanh để gọi nhau... chỉ biết gọi là "Cu Đen" là "Gái em" cho dù khi lớn lên cũng vậy...

Thế mà bây giờ... hơn 50 năm trôi qua, mái tóc chắc chắn đã hơi phai màu thời gian, không giống thời trẻ nhỏ ngu ngơ chân trần, áo vá, tóc khét mùi nắng hoặc nhan sắc chắc chắn đã thay đổi không còn đậm đà như lần gặp cuối cùng của 2 kẻ đi ngược chiều, mắt nhìn mắt, gật đầu rồi quay lưng bước về phía trước... cả 2 ngượng ngùng vẫn không chào hỏi được nhau vì không biết tên nhau...

50 năm trôi qua, hai người cùng ở một phía, khác tiểu bang... tìm được nhau khi một người trở lại quê nhà, đi tìm "Gái em" cô bé 6, 7 tuổi ngày xưa và đường giây điện thoại đã nối từ bên kia sang bên này, để cho cô bạn đêm mất ngủ, để tuổi thơ ào về réo gọi... Thấy bạn vui lòng tôi cũng xôn xao...

Năm mới, Tết đến, thân chúc bạn tôi có được niềm vui ấm áp, có được hạnh phúc ngào ngạt hương thơm để đền bù lại quãng đường gian nan, khốn khổ không hạnh phúc của nửa cuộc đời đã qua...


Nguyễn Thị Tê Hát

Đêm Sâu


























Chiều nay gió lạnh bên song
Trời mây u ám lòng tê tái lòng
Mùi hương mái tóc không còn
Chỉ nghe thoang thoảng đâu đây chút tình
Hỏi người còn nhớ chuyện mình
Hay thời gian đã nhòa phai mất rồi
Mùa đông xứ lạ rất dài
Cho thêm nỗi nhớ hình hài cơn đau
Vết thương ngày tháng đậm sâu
Vùi trong kỷ niệm ầu ơ tháng ngày
Gởi người một tiếng thở dài...


Nguyễn Thị Tê Hát

Những Ngã Rẽ Cuộc Đời




Đang say ngủ, tiếng điện thoại reo vang làm giật mình...
- Xin lỗi đó có phải là nhà của...
- Dạ vâng, đúng rồi, xin lỗi ai đầu giây đó....
-.... đây,....còn nhớ không

Tôi muốn hét lên:
- Nhớ nhớ chứ, mày là người tao mong ngóng nhiều năm có biết không? Tại sao bây giờ mới liên lạc với tao?
- Tao gọi về VN, tụi nó cho số ĐT của mày... tao đang ở Atlanta. tao sang đây mười mấy năm rồi, tụi nó nói mày vẫn vậy như thuở đi học, không khác gì... tao bây giờ khác lắm...
- Sao lại không khác, mấy chục năm rồi còn gì, đứa nào chả vậy....
Hai đứa dành nhau nói, nói đủ chuyện, chuyện trên trời dưới đất, chuyện chồng con, chuyện bạn bè, chuyện ngang trái, chuyện lọc lừa, chuyện không chung thủy, chuyện tang thương, chuyện khốn khổ, chuyện đói nghèo, chuyện đơn độc... Nghe bạn kể mà lòng xốt xa, ngậm ngùi... Cứ mỗi lần nó hỏi "Mày biết không?" thì lại có một câu chuyện thương tâm đi theo...

- Mày biết không, bà trưởng lớp của mình hồi đó bây giờ nghèo lắm, gạo cứ phải đong từng bữa vậy mà 5 đứa con, hai ông bà suốt ngày chỉ biết đi nhà thờ, nhưng mà hạnh phúc lắm...

- Mày biết không? Mày có nhớ con... không? Nó lấy chồng đi kinh tế mới sau đó nghe bị chết vì bịnh gì đó...

- Mày biết không, con... lấy chồng có 2 đứa con, chồng nó bỏ, nó ở vậy nuôi con, bây giờ đang làm giáo sư dạy anh văn ở Thủ Đức...
- Mày biết không con của con... làm ca sĩ, nó bảo đời sống cũng đỡ vì con bé đi hát nuôi cả nhà...

Bạn tôi nói nhiều hơn nghe, đúng như con bạn ở VN dặn dò..."nếu nó gọi ĐT, mày cứ để cho nó nói, nó nói với tao là nó thèm nói lắm vì suốt ngày đi làm, về đến nhà lại một mình..." à ra thế, hèn chi, thỉnh thoảng lắm tôi mới có cơ hội xen vào...

- Ừ, tao biết, hồi chồng nó chết tao có gởi tiền về, nói chuyện với nó thấy nó khóc cười lung tung, nó dạo này làm sao ấy, tốc tốc gì đâu, viết thư cho tao mà nó bảo đem ra dịch vụ thuê họ viết... tội nghiệp nó ghê... tội nghiệp cả chồng nó nữa, có gia đình chồng ở Canada mà chẳng nhờ được gì...

Cứ nghe con bạn đầu giây huyên thuyên kể chuyện buồn về bạn bè như không ngưng nghỉ, bạn bè tôi sao lận đận tội nghiệp đến thế, đứa nào cũng dở dang, gẫy gánh... Thỉnh thoảng lắm mới nghe tin có đứa giầu nứt vách đổ tường, còn bao nhiêu nghe sao ngậm ngùi thương tâm quá... Các bạn tôi đứa nào cũng xinh, cũng dễ thương, dễ nhìn chứ có xấu gì cho cam mà sao lại hẩm hiu đến thế? Con bạn đầu giây cũng nặng trĩu nỗi buồn trong tim, cũng ngậm ngùi cay đắng từ ngày lấy chồng... còn tôi, tôi thế nào? So với các bạn ở đây hay ở bên kia có phải tôi vẫn là người may mắn hơn họ?....

*

Nhận được tin một con bạn ở cùng một phía niềm vui chưa trọn vẹn, chưa tìm được ngày gặp mặt lại nghe hung tin vê con bạn thân ở San Jose... xin đừng là thật như tin ở VN đưa sang là con bạn ngày nào đã ra đi hơn 1 năm.... xin đừng là sự thật, xin đừng là thế, dù gia đình bạn tôi đã từng có chị, có em tự vẫn... đừng nhé, đừng điên nhé, trời không dồn vào ngõ cụt đâu, đừng, đừng nhé, đừng làm tao sợ...

Bạn tôi thông minh, bạn tôi có cuộc sống an lành, thoải mái, gia đình hạnh phúc thì không lý nào... Vâng, không thể nào...

Mấy đêm nay mất ngủ, trằn trọc suốt đêm, từng cơn gió lạnh rít lên ngoài cửa sổ với những nghĩ suy mông lung làm đêm thêm dài vì không sao nhắm mắt nổi... Số phone của bạn không còn liên lạc được. Đêm trăn trở không biết làm cách nào để tìm hiểu sự thật về bạn... những lúc như thế này làm sao mà ngờ... chợt nhớ đến...

- Anh, anh làm ơn tìm đến địa chỉ này xem bạn em ra sao... vâng, em nhớ rồi, đúng là cái nhà mà anh đến đón đưa em ra phi trường...

Chợt nhớ đến người bạn ở cùng xóm với bạn ngày xưa, vội đi tìm địa chỉ email để nhờ, phải lang thang trên các phố ảo suốt đêm mới tìm ra địa chỉ... Mỗi lần mở email thấy tên người đang nhờ tìm tin về bạn, tim như muốn đứng lại, hồi hộp không dám mở thư trong giây lát, nhưng tin vẫn chưa có, vẫn mòn mỏi ngóng đợi... cầu xin đừng là sự thật, cầu xin chỉ là tin đồn... Hãy bình an nhé bạn thân tôi...


Nguyễn Thị Tê Hát

Chênh Vênh Cuộc Đời!


Đời là những dấu chấm hỏi ?, là những dấu chấm than !, là những con số... trông rất đơn sơ, đôi khi nhìn vào tưởng đâu có thể giải đáp dễ dàng, nhưng có lúc càng cố giải, càng mờ mắt, những con số cứ chập choạng nhảy múa để rồi bài tính vẫn không tìm ra đáp số, cho dù đã thức trắng đêm, đã trằn trở bao ngày... hay tại tôi vẫn là người dốt toán, dốt cả tính cộng trừ nhân, chia nên không làm sao giải nổi những bài toán đơn sơ ở đời thật?

Bạn tôi đấy, cho đến lúc này tôi vẫn hoàn toàn không biết tin tức, hoàn toàn mù tịt để rồi chỉ biết thương bạn ngậm ngùi, cay đắng. Bạn tôi không thể nào dại dột như tin từ Việt Nam đưa sang, bởi bạn tôi là người phóng khoáng, có tư tưởng cởi mở chứ không gò bó, nhút nhát như tôi. Bạn tôi đã thật sự làm tôi ngưỡng mộ, bởi bạn tôi dám sống, dám làm và cuộc đời này cho dù bạn tôi có thật sự không hiện hữu, bạn tôi cũng chẳng có gì để tiếc nuối bởi bạn tôi đã sống rất thật với chính mình từ tuổi học trò cho đến khi trở thành đàn bà, trở thành vợ, trở thành mẹ.

Lần cuối cùng gặp sau mấy chục năm xa cách nhân dịp về tham dự tạp chí mà tôi cộng tác vừa tròn 1 tuổi. Hai đứa gặp nhau mừng rỡ, đứa nào cũng bảo nhau trông chẳng khác khi xưa... 2 đứa vui đùa nhí nhảnh kể cho nhau nghe những thăng trầm cuộc đời từ khi xa nhau, từ khi rời bỏ tỉnh ly, từ khi xa lìa quê hương, những khó khăn lúc đầu nơi xứ người mà bạn tôi gặp phải, những bay nhảy khi tình lên cao... bạn tôi xinh và dễ thương như thuở nào...

Bạn cùng gia đình đưa tôi đi San Francisco, nơi có biển, có những con tàu ngoài khơi, nơi có những con đường quanh co thật đẹp, thật nên thơ. Chúng tôi hai đứa như dính liền nhau, vừa đi vừa kể cho nhau nghe những chuyện về mình, về người như không bao giờ hết. Tối về cả bọn rủ nhau đi nghe nhạc để chúng tôi có dịp nhắc lại những kỷ niệm đi "ban" vào những ngày cuối năm, vào những ngày sinh nhật. Vào một dịp lễ Noel, dối mẹ đi lễ, nhưng cả đám rủ nhau đi nhảy đầm. Cả đám con gái mặc mini ngồi dựa vào bức màn phía sau, tưởng đâu là bức tường, nào ngờ cả đám ngã ngửa đưa chân lên cao, thấy chúng tôi ngã, mọi người trong phòng hốt hoảng nhưng sau đó cười ầm ỷ làm cả đám con gái chúng tôi đỏ mặt đến muốn khóc không dám ra sàn nhảy... Những kỷ niệm đi chơi với bạn vào những tối cuối tuần hay sau giờ tan học như không bao giờ quên được...

Đêm hôm đó sau khi đi nghe nhạc về, bạn vào phòng tôi, hai đứa mỗi đứa một gối ngồi ôm nhắc lại chuyện ngày xưa, chuyện bạn bè trôi nổi mỗi phương, mỗi hoàn cảnh sau ngày đổi đời. Chúng tôi nói đủ chuyện, bạn nhắc đến cây si của tôi, đến ông anh của bạn, ông anh mà khi mới tìm được địa chỉ của tôi bên này đã gởi một thùng CD của các ca sĩ mà chúng tôi từng ưa thích làm tôi giật mình ngỡ ngàng, kể cho bạn nghe mà hai đứa cùng cười khúc khích. Bạn kể chuyện bà chị dâu hay ghen, bà chị dâu ghen cả với bạn tôi là em chồng... bạn xúi tôi chọc...tôi chỉ biết lắc đầu cười:
- "thôi đi, tội nghiệp ông ấy, lỡ nhà ông ấy không cháy mà lại cháy nhà tao thì khổ..."
Đó, chúng tôi thế đấy, cứ sáp vào nhau là vẫn còn tính nghịch ngợm như xưa bởi thế cho nên chúng tôi tâm sự kể lể suốt đêm cho đến lúc tôi phải ra phi trường, bạn cũng không quên tặng tôi món mắm cá mà bạn đã đặc biệt làm cho tôi đem về...

Ngồi trong máy bay, cơn mệt mỏi buồn ngủ rã rời làm tôi không còn tự chủ được nữa, cứ say sưa cho đến lúc tỉnh dậy thì máy bay đã đến một trạm chuyển tiếp...

Viết đến đây, nước mắt tôi long lanh như không thấy những chữ trên keyboard, lòng tôi đau, đau lắm, bởi với tôi, các bạn tôi chính là một phần ký ức của tôi đã bị cắt xén. Nghĩ đến bạn những ngày vừa qua tôi như lênh đênh trên sóng, tôi như mờ mịt trong mông lung bởi không tìm ra đáp số những bài toán mà tôi và các bạn tôi đang có... tôi bỗng giận tôi, giận những người chung quanh, tôi bỗng muốn một mình, tôi giam tôi trong phòng, không muốn viết, không muốn mở lòng ra, chỉ biết lang thang trên phố suốt đêm tìm hình ảnh để đưa vào blog của mình, với những bài viết xưa cũ...

Điện thoại reo vang, cứ reo chán rồi tắt, rút giây điện thoại ra, cell phone không muốn mở... Hôm nay là ngày lễ và hôm thứ 6, nếu cô bé làm chung không nhắc thì có lẽ sáng nay tôi lại lái xe đi làm mất thôi...

Bên ngoài lạnh quá!...


Nguyễn Thị Tê Hát

Friday, February 13, 2009

Xuân Quê Người





Em buồn tủi khi xuân về xứ lạ
Để thấy lòng man mác nỗi vu vơ
Người ủi an nắn nót những vần thơ
Cho em đọc, quên mùa xuân xa xứ

Bao năm qua nơi quê người vất vả
Đón xuân về giữa tiết giá mùa đông
Xuân xứ người bao phủ bởi tuyết băng
Xuân quê mẹ bây giờ mai rực rỡ

Xuân nơi đây em nghe lòng trăn trở
Giữa căn phòng vắng lặng một màu đen
Bóng tối bao trùm lạnh buốt tâm can
Rưng rức nhớ những mùa xuân rất cũ

Người bảo em thôi đừng ưu tư nữa
Hãy vui cười tưởng tượng lúc xuân sang
Hãy mộng mơ dù xuân chẳng ngó ngàng
Em sẽ thấy lòng mình xuân vẫn nở...

Cám ơn người, hỡi người chung cảnh ngộ!...


Nguyễn Thị Tê Hát

Monday, February 9, 2009

Chủ Nhật Buồn


Chiều Chủ Nhật không gian đầy lặng lẽ
Những giọt buồn thánh thót gõ buồng tim
Trời mùa đông hoa nắng vẫn lung linh
Còn nhảy múa trên xác khô cành lá

Chiều Chủ Nhật vạt nắng giờ xám lạ
Trời u buồn gió lạnh thổi từng cơn
Giấc ngủ trưa ngầy ngật những ưu phiền
Nghe hiu hắt âm vang đời xuống vội

Chiều Chủ nhật cuộn mình trong góc tối
Tiếng côn trùng vắng lặng giữa mùa đông
Đêm chợt đến, đêm hoang tuởng lạnh lùng
Mưa róc rách, từng giọt đều trên mái

Ngày Chủ Nhật, sao qua đi rất vội
Cho đêm về trăn trở những niềm riêng
Ôm gối chăn nghe mặn chát môi mềm
Thầm khấn nguyện, đêm dài đêm qua vội...


Nguyễn Thị Tê Hát

Tuesday, February 3, 2009

Đêm Xuân


Giọt nước mắt đêm xuân
Âm thầm trong bóng đêm
Xuân phương nào rộn rã
Xuân nơi này đi hoang

Trời đang đông lạnh giá
Sân trắng phủ tuyết rơi
Hồn tôi buồn cô quạnh
Nhớ xuân nào xa xôi

Trời vào Xuân xứ lạ
Nghe lòng mình chơi vơi
Đêm Xuân hờn môi má
Giọt lệ âm thầm rơi

Xuân bên nhà rộn rã
Chúc tụng lời đầu năm
Xuân bên này buồn tủi
Cuộn mình trong chăn đơn

Xuân dù chẳng riêng ai
Sao Xuân chẳng nơi này
Đêm nay đêm rất tịnh
Đêm vô cùng thương thay!


Nguyễn Thị Tê Hát

Monday, February 2, 2009

Nhạt Nhòa Đêm Xuân



Ánh mắt liêu trai giam đêm huyền hoặc
Nhốt ân tình trong một thoáng đam mê
Nụ cười tươi che dấu những vụng về
Đêm ngây dại ẩn mình trong nỗi nhớ

Trăng vằng vặc trăng lung linh bỏ ngỏ
Bước chân trần in bãi cát ngày xưa
Những ngón tay gầy ôm kín đong đưa
Cho tóc rối lang thang vùng mộng ảo

Tình đem trao không mang đêm ngà ngọc
Nên khước từ tình vẫn cứ đi hoang
Trời đang vào xuân hoa lá miên man
Không khí lạ như thổi về ký ức

Tuổi thơ ngây những chuỗi ngày hoa ngọc
Mơn trớn bên đời ngọt lịm môi thơm
Những nụ hồng tươi khoe sắc dậy hồn
Như ươm mãi giấc mơ hồng con gái

Tháng năm qua thời gian nhiều thay đổi
Khi bên đời vang vọng tiếng hư vô
Giấc ngủ ngoan thôi nhé chớ khép hờ
Cho đêm tối thôi vào cơn mộng mị

Trời vào xuân hay lòng này bão nổi
Nên nụ cười đã tắt tự hôm nao
Tháng ngày qua đi giờ hết ngọt ngào
Xin từ giã nhạt nhòa đêm cúi mặt


Nguyễn Thị Tê Hát