Thursday, April 7, 2011

Gió

Mới thứ sáu đẹp trời, khí hậu dịu dàng, mát mẻ, mang không khi mùa thu . Thứ bảy, nhiệt độ 75, tuy có lúc 81 độ, nhưng có vẻ xuân đã về nên mọi người cảm thấy nhẹ nhàng vì không phải khoác những chiếc áo dầy cộm trên người... nhưng đến Chúa Nhật, thì phải nói là nóng bởi nhiệt độ lên cao đến 92, đến nỗi trong xe phải mở máy lạnh. Chung quanh nhà cửa sổ nhiều và rộng, nên cứ phải mở hết các cửa sổ cho gió lùa vào để xua đi cái nóng bức khó chịu, gió càng lúc càng nhiều .... Đến tối, nhiệt độ xuống thấp thật nhanh, chỉ còn 46 độ F, các khung cửa sổ lại được hạ xuống nhưng vẫn nghe tiếng gió rì rào bên ngoài. Trên TV, băng tầng 13 đang chiếu phim Dr. Zhivago.

Không hiểu sao băng tần 13 lại chiếu phim Dr.Zhivago vào lúc này ? Lúc mà các quốc gia bên Trung Đông đang rầm rộ xuống đường đòi nhân quyền, tự do ... họ đang làm những cuộc cách mạng lớn từ quốc gia này, tiếp nối quốc gia khác . Trong khi đó ở Trung Quốc, ở VN, người dân cũng đang âm ỷ với những chiến dịch Bông Sen, Hoa Lài mà báo chí, đài phát thanh và các bình luận gia không ngớt nói đến .

Xem Dr. Zhivago với sau cuộc cách mạng 1905, mới thấy cuộc cách mạng của CS VN cũng không khác gì ... CS Nga Sô cũng thành hình từ đó. Chế độ CS nào cũng giống nhau, cũng tước đoạt mọi quyền sống, hy vọng và hạnh phúc của con người . Nhà cửa, đồ đạc, vật dụng bị tịch thu, trưng dụng . Người dân phải từ bỏ thành thị, nhà cửa, cuộc sống sung túc để bồng bế nhau, chen lấn nhau trên các toa xe lửa để đến những nơi hoang vu, hiu quạnh, tuyết phủ, giá băng mà họ nghĩ sẽ an toàn... người dân trở nên câm lặng, sợ hãi trước bạo quyền, trước những con người mang tiếng đi làm cách mạng vì dân, cho dân. Họ đã lợi dụng lòng yêu nước của giới trẻ để mưu cầu một sự đổi thay mà con người CS cần phải có ...

Bên ngoài gió ào ào, 2 cây bông sứ, chậu tắc, chậu quất đang ươm đầy trái trên cành cũng đang phần phật ngả nghiêng theo gió, cộng thêm hình ảnh trắng xóa bao phủ của mùa đông, đóng băng trên mái nhà, trên các khung cửa sổ của ngôi nhà rách nát, cùng với tiếng chó hú trong phim Dr. Zhivago làm khung cảnh thêm lạnh, rờn rợn . Xem phim xong cũng đã nửa đêm ...

Người bên cạnh đi chưa về, đêm trăn trở vì gió vẫn vi vu, rít từng hồi qua những ngọn cây cao phía sau bên kia hằng rào ... 1 giờ sáng, gió vẫn dập dềnh cánh cổng bên hông nhà, giấc ngủ vẫn không đến, nghĩ đến những cây trước cửa nhà thấy lo lắng. Đồng hồ chỉ 1g30 sáng, người bên cạnh vẫn chưa về, ra phòng khách nhìn qua cửa sổ, những cành lá vẫn phần phật qua lại, để yên tâm hơn nên ra ngoài kéo những chậu cây vào sát cửa xổ cho bớt gió . Vài trái tắc, trái quất rụng trên gạch ... 2 cây bông sứ chỉ còn vài lá trên cành cũng ngả nghiêng theo gió .

Có tiếng cửa garage kéo lên, người bên cạnh về, đêm như dài ra với những cơn gió càng lúc càng mạnh ...

Wind

I have died, but you are still among the living.
And the wind, keening and complaining.
Makes the country house and the forest rock--
Not each pine by itself
But all the trees as one,
Together with the illimitable distance;
It makes them rock as the bulls of sailboats
Rock on the mirrorous waters of a boat basin
And this the wind does not out of bravado
Or in a senseless rage,
But so that in its desolatìon
It may find words to fashion a lullaby for you.

Boris Pasternak
(Tác giả Dr. Zhivago
)


Nguyễn Thị Tê Hát

Một Cơn Gió Thoảng

Không phải là một cơn gió thoảng thổi qua mà là sự phẫn nộ của trời đất, của biển khơi đã làm rung chuyển mặt đất, rung chuyển lòng biển để rồi trong chốc lát không còn gì, chỉ còn lại một thảm họa, một thảm họa liên tiếp xảy ra mà cả thế giới lo âu, không ngớt lên tiếng, bàn tán, bình luận trên mọi thông tin từ báo chí cho đến truyền thanh, truyền hình, internet. Cho đến hôm nay, những bộ óc xuất chúng của các nhà bác học, khoa học vẫn chưa tìm ra một giải pháp, một lối thoát nào cần kíp cho dân tộc Phù Tang lúc này từ các nhà máy hạt nhân nguyên tử . Một dân tộc đang lãnh nhận thảm họa khốc liệt nhất thế giới. Một dân tộc can đảm trước nghịch cảnh thảm họa nhưng họ vẫn bình tâm, tôn trọng luật lệ, thương yêu và chia sẻ cùng nhau. Họ đã làm cho cả thế giới ngưỡng mộ và kính trọng .

Nhìn những hình ảnh tang thương được chiếu trên màn ảnh truyền hình sau cơn giận dữ của biển... Xe cộ, tàu bè, nhà cửa, xác người lênh đênh trên nước như một trò chơi, mà biển vô cớ đã nổi cơn thịnh nộ làm xúc động người xem trên khắp thế giới .

Chiến tranh ở Trung Đông như không ngừng nghỉ ở các Quốc gia mà người dân sống trong sự áp bức, độc tài, chuyên chế . Họ đang vùng lên. Những phi vụ oanh tạc trên không vận, những sự giao tranh súng đạn trong thành phố, trên các đồi sa mạc, những máu me, xác người ngã gục trước bạo quyền của các nhà độc tài . Họ can đảm đứng lên đòi quyền sống, quyền tự do, quyền làm người . Họ đòi hỏi sự công bằng cho dù sự tranh đấu của họ có phải hy sinh mạng sống, đã trở thành một chiến dịch lớn mạnh như một cơn bão, như vết dầu loang đang lan tràn khắp nơi, đang thổi đến các nước ở Đông Nam Á, làm các nhà lãnh đạo ở các Quốc gia này đang phải nhức đầu, e dè sợ hãi, đang tìm cách ngăn chặn, bắt bớ... liệu cơn bão này có thổi đến Việt Nam, quê hương tôi ?

Quê hương tôi, sau mấy mươi năm dài vẫn đắm chìm trong sự bất công, tham nhũng, nghèo khó. Chính sự đàn áp này đã và đang tạo nên những anh hùng, những anh thư, liệt nữ. Họ đã hiên ngang đứng lên để tranh đấu cho người dân, cho những người thấp cổ bé miệng bị bóc lột, chèn ép, mặc dù họ có phải, hoặc đã và đang chấp nhận cảnh tù đày, ngược đãi, hăm dọa, nhưng vẫn một lòng sắt đá không khuất phục, như gương các anh hùng, liệt nữ xưa kia ... Họ luôn làm tôi xúc động, kính phục và ngưỡng mộ .

Thế giới này rồi sẽ đi về đâu ? Quê hương tôi tương lai sẽ thế nào? khi các thành phố của quê hương tôi đang bị ru ngủ bởi những cuộc ăn chơi phù phiếm, giả tạo? Giá trị con người bị thua kém ? Trong khi ở những nơi xa thành phố, xa tai mắt các chính khách, báo chí ngoại quốc ... đời sống người dân ở các vùng thôn quê, các vùng cao nguyên hẻo lánh ở miền bắc lẫn miền nam đang bị đe dọa, bóc lột, trấn áp bởi những người quyền thế đầy bạo lực, hay chính ngay tại các hóc hẻm của thành phố, người dân cũng bị bịt miệng, che mắt, ngược đãi....

Hôm nay đầu tháng 4, nơi này nắng lên cao, ánh nắng chói lòa trên vạn vật, len qua mành cửa sổ chỗ tôi ngồi . Trong khi đó, một vài tiểu bang miền bắc tuyết vẫn còn rơi, mùa xuân vẫn chưa về ... chợt tự hỏi lòng ...biết đến bao giờ biển mới trở nên hiền hòa thôi giận dữ ? Bao giờ trái đất cùng với hiểm họa chiến tranh thôi bùng nổ ? Bao giờ tâm hồn con người biết lắng dịu để đến gần nhau hơn? Bao giờ đời sống con người được tôn trọng trong công bằng, nhân ái, tự do, hạnh phúc?... Hay lại phải nhờ đến một cơn gió thoảng thổi qua trái đất này để tất phải làm lại từ đầu ...? Vâng, làm lại từ đầu ....


Nguyễn Thị Tê Hát