Suốt những năm dài, không ngày nào, không lúc nào tôi không nghĩ đến VN, nơi quê hương bên kia bờ Thái-Bình-Dương. Nơi mà tôi đã ra đời, đã lớn lên, và cũng là nơi đã đẩy xô tôi đến một chân trời xa lạ, một nơi mà chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ là nơi dừng chân hay yên nghỉ cho cuộc đời của chính mình.
Qua những biến động khủng-khiếp đã khuấy động cuộc sống bình yên của mọi người trong gia đình. Trong đó có tôi, tôi quằn-quại đau đớn trong dằn vặt, khắc-khoải để rồi sau những đêm mất ngủ, tôi quyết định trở về. Về một lần để nhìn những người thân yêu còn lại của mình, nhìn lại nắm tro tàn của tình cốt nhục, nhìn lại một VN đang được nói đến, đang được bàn đến sau những năm dài u-uẩn nơi lòng người ra đi, nơi lòng người ở lại. Sự nhớ thương, tiếc nuối những người thân đã gắn liền với những niềm đau ấm ức, những nỗi uất hận vì giòng đời nghiệt-ngã, vì vận nước nổi trôi. Tôi về, về để tìm lại cái Tôi thuở nào mà ngày xưa tôi đã vội vã ra đi, bỏ lại sau lưng khi cuộc đời tôi bước sang một ngã rẽ khác vào cái ngày buồn thảm của năm ấy.
Trong 10 đứa con, như những ngón tay của ba mẹ, cũng có ngón dài, ngón ngắn nên không thể nào đòi hỏi sự tương đồng ở những đứa con đã trưởng thành, đã ra đời. Trong những đứa em, một trong những đứa em trai của tôi, có đứa đã biết yêu, yêu cuồng nhiệt, yêu say đắm, yêu như chưa yêu lần nào, yêu như những Ông Hoàng, Bà Chúa dám từ bỏ ngai vàng để lấy người mình yêu. Người ta đánh đổi cả tài sản, cả mạng sống để có một chỗ đứng nơi đây, nơi vùng đất tự do đích thực của con người. Nhưng em tôi, em tôi đang say đắm vì yêu, yêu với tất cả giòng máu ấm trong người nên em tôi đã từ chối vùng đất mà mọi người đang thèm khát, để tìm cho mình một vùng đất riêng, một vùng đất chỉ có ánh mắt, nụ cười của những kẻ yêu nhau. Vì không muốn hồ-sơ của gia-đình bị ngưng trệ nên em tôi đã bằng lòng sang Canada cùng với gia-đình. Ba Mẹ tôi trông ốm yếu hơn theo ngày tháng, các em tôi lớn hẳn lên, cậu em đang đắm đuối vì yêu lúc nào cũng gắn nụ cười buồn trên môi, suốt ngày ra vào thở ngắn thở dài, tóc không thèm cắt, râu không thèm cạo, thỉnh thoảng ngồi ôm đàn nghêu-ngao hát, nếu không lại nằm dài rũ-rượi trên thảm như cây Thập Giá làm mọi người ái ngại.
Hai năm sau, nơi có mùa đông lạnh căm-căm, nơi có tuyết nhiều hơn nắng ấm, nơi mà nỗi cô đơn ôm chặt lấy con người đã đưa em tôi đến quyết định trở về. Mặc ai năn-nỉ, mặc tôi nghẹn-ngào cắt nghĩa theo cái định-lý cuộc đời mà tôi và mọi người đang bước đi, nhưng trong cái cuộc đời, cái con đường tôi và mọi người đang bước đi đó không có em tôi, không có kẻ si-tình, không có kẻ yêu cuồng nhiệt, một thứ tình yêu say đắm mà em tôi đã trót vận vào người.
Em tôi về, em tôi hạnh-phúc, em tôi cười tươi trông không còn ủ-rũ, buồn rầu tội nghiệp như con chó ốm của Nguyên Sa... và tôi, kẻ hình như chưa biết yêu cũng vui với cái vui em tôi đang có. Nhưng, cái vui đó không được bao lâu thì một sáng thật sớm của đầu tháng Bảy... tin khủng khiếp như một cuộc động đất vừa xảy ra nơi các em tôi đang ở. Điện thoại từ Canada, từ VN gọi sang làm tôi không còn là tôi nữa, tất cả như một cơn bão lốc, mưa rào đã quét sạch hạnh-phúc của em tôi, đã quét sạch sự hiện-diện của vợ chồng em tôi, của đôi chim uyên-ương mà lúc nào cũng gắn bó bên nhau, "Như một giòng nhạc đi đôi và sẽ đi cho đến hết cuộc đời..." như lời giảng của vị Linh-Mục trong ngày cưới. Vâng, đã đi thì phải đi đôi, và...đã đi đôi thật.
Cho đến bây giờ khi định nghĩa chữ yêu, chữ "YÊU" viết hoa, tôi cũng không tài nào cắt nghĩa được, hay tại những năm tháng dài buồn tẻ nơi xứ người đã làm lòng tôi chai lại, đã biến tôi từ một thiếu nữ có đôi mắt to lúc nào cũng long-lanh vì hờn dỗi nay đã trở thành người đàn bà có đôi mắt khô khan với nụ cười không còn tươi vui như ngày xưa?
Nhà tôi vẫn đắm chìm với công việc của mình ở tiểu bang Arkansas, cách tiểu bang nơi mẹ con tôi đang ở khoảng 6 giờ xe chạy. Mẹ con tôi vẫn thui-thủi nơi này với những đau-thương, với những cô-đơn vây kín làm tôi quên mất chính mình, tôi như sống trong vùng sương mù dầy đặc, không còn nhớ hay phải làm điều gì một cách tỉnh-táo, đôi lúc làm tôi giật mình sợ hãi, để sau cùng ý nghĩ trở về đã đến trong tôi, bắt đầu quay-quắt trong tôi và tôi đã đưa 2 con trở về. Người ta nôn nao hồi-hộp khi trở về, còn tôi... sự trở về của tôi đã đem theo nhiều chán nản, mệt mỏi lẫn khổ đau, dằn vặt.
Máy bay hạ xuống phi-trường Tân-Sơn-Nhất, vài căn nhà xiêu-vẹo nằm lẫn lộn trong những đám cỏ hoang chung quanh vòng đai phi-trường. Ngậm ngùi, ngỡ-ngàng cầm tay con bước xuống máy bay, bảo con như bảo chính mình:
- Đây, VN nơi đất nước mà mẹ đã sinh ra và lớn lên...
Ngay chiều hôm đến Sài Gòn, 2 chị em tôi ghé vào chợ mua ít hoa rồi đến nhà thờ, nơi có đôi uyên-ương đang yên nghỉ. Nhìn những gì còn lại của một kiếp người... không còn gì cả, tất cả như biến mất vào khoảng không, có còn lại chăng chỉ là 2 nắm bụi được gom lại đựng trong 2 chiếc hộp nhỏ để bên cạnh những chiếc hộp khác, trông như những nấm mộ trong một nghĩa trang được thu nhỏ lại đặt trong tủ kiếng làm lòng tôi buốt giá, quặn đau, 2 tấm ảnh của đôi chim uyên-ương được gắn bên ngoài hộp trông thật trẻ, thật đẹp đôi và thật im-lìm như chấp nhận sự gẫy cánh giữa khoảng trời xanh, cho dù những ước mơ, những đổi thay chưa kịp trông thấy. Càng nhìn tôi càng đau lòng, mắt tôi mờ, tim tôi như ai bóp nghẹn để rồi nước mắt cứ đua nhau chảy dài đầm đìa xuống má. Tôi khóc, khóc tấm tức, khóc thương cuộc đời 2 em tôi quá ngắn, không đủ dài để thấy ước mơ mình đang thành tựu, để thấy giòng đời đang biến đổi. Tôi khóc cho cả tôi, cuộc đời tôi sao quá nhiều chuân-chuyên? sao quá nhiều mất mát? Em tôi đứng im lìm ở cuối phòng cũng đang cuồn-cuộn đau như tôi, nước mắt cũng lăn dài, xúc động đến bên chị, ôm tôi vỗ-về và dìu tôi ra cửa... Thế là xong, thế là hết một đời người, không còn gì nữa, chỉ một cơn gió nhẹ cũng có thể thổi tung nắm bụi mờ...
Sài Gòn bây giờ đông người quá, xa lạ quá, SG bây giờ nắng nhiều hơn, bụi-bặm nhiều hơn và cây 2 bên đường cũng không thể xanh hơn được nữa. SG tấp nập, SG tất-tả ngược xuôi, SG không còn là SG của tôi ngày xưa nên tôi cũng không còn nhận diện được cả con đường mà tôi vẫn đi qua, để rồi với sự xa lạ đó tôi cảm thấy chơ-vơ, lạc-lõng khi bước ra khỏi nhà, bởi cái Tôi hình như cũng không còn chờ tôi nữa, bởi cái Tôi cũng đã bỏ tôi đi biệt từ ngày tôi bước chân xuống tàu... Tôi cô-đơn, cái cô-đơn không giống cái cô-đơn của tôi nơi xứ người, nỗi cô-đơn ở đây dằng xé, đay nghiến, nhức nhối hơn để thấy mình càng lẻ loi, bơ vơ trong giòng thác người qua lại. Ngồi trong quán cafe nhìn ra ngoài đường, vẫn đám đông cuồn-cuộn qua lại mà tôi vừa tách ra với một tâm trí lãng-đãng, mù mịt như trốn trong hóc-hẻm nào đó mà tôi không lôi ra được.
- Chị đang nghĩ gì vậy?
Tôi giật mình:
- Ồ, không, chị không nghĩ gì cả, đầu óc chị như cô đặc lại không nghĩ được gì, nhưng chị cảm thấy mình mất mát nhiều quá.
- Vâng, mình mất mát nhiều quá, hầu như không còn gì cả, đến người thân, bạn bè cũng tản mác khắp nơi... đứa còn, đứa mất, đứa lang-thang, đứa tù đày... đời sống chẳng ra gì cả.
Khuấy nhẹ ly cafe sữa, tôi rưng-rưng nói nhỏ:
- Ừ, đời sống chả ra làm sao cả, cho dù bên này, hay bên kia, có tiền hay không có tiền, giàu nghèo rồi cũng như nhau... đôi khi chị ước đây chỉ là một giấc mơ mà thôi...
Em tôi im lặng châm một điếu thuốc khác, đăm-chiêu nhìn ra ngoài đường. Cơn mưa rào chợt đổ ập đến, ngoài đường vắng tanh, giòng thác người lúc nãy biến đâu mất, nỗi buồn, khổ đau, cô-đơn như những chiếc lá vàng lăn-tăn trên mặt đường, đang cuốn hút theo cơn gió lốc thổi về cuối đường, để tất cả sạch trơn không còn một dấu vết lưu lại. Cơn mưa ngừng, giòng thác người lại cuồn-cuộn đến, cuồn-cuộn đi...
Nguyễn Thị Tê Hát
(1996)
No comments:
Post a Comment