Wednesday, July 27, 2011

Một Cơn Gió Thoảng

(April 1, 2011)

Không phải là một cơn gió thoảng thổi qua mà là sự phẫn nộ của trời đất, của biển khơi đã làm rung chuyển mặt đất, rung chuyển lòng biển để rồi trong chốc lát không còn gì, chỉ còn lại một thảm họa, một thảm họa liên tiếp xảy ra mà cả thế giới lo âu, không ngớt lên tiếng, bàn tán, bình luận trên mọi thông tin từ báo chí cho đến truyền thanh, truyền hình, internet. Cho đến hôm nay, những bộ óc xuất chúng của các nhà bác học, khoa học vẫn chưa tìm ra một giải pháp, một lối thoát nào cần kíp cho dân tộc Phù Tang lúc này từ các nhà máy hạt nhân nguyên tử . Một dân tộc đang lãnh nhận thảm họa khốc liệt nhất thế giới. Một dân tộc can đảm trước nghịch cảnh thảm họa nhưng họ vẫn bình tâm, tôn trọng luật lệ, thương yêu và chia sẻ cùng nhau. Họ đã làm cho cả thế giới ngưỡng mộ và kính trọng .

Nhìn những hình ảnh tang thương được chiếu trên màn ảnh truyền hình sau cơn giận dữ của biển... Xe cộ, tàu bè, nhà cửa, xác người lênh đênh trên nước như một trò chơi, mà biển vô cớ đã nổi cơn thịnh nộ làm xúc động người xem trên khắp thế giới .

Chiến tranh ở Trung Đông như không ngừng nghỉ ở các Quốc gia mà người dân sống trong sự áp bức, độc tài, chuyên chế. Họ đang vùng lên. Những phi vụ oanh tạc trên không vận, những sự giao tranh súng đạn trong thành phố, trên các đồi sa mạc, những máu me, xác người ngã gục trước bạo quyền của các nhà độc tài. Họ can đảm đứng lên đòi quyền sống, quyền tự do, quyền làm người. Họ đòi hỏi sự công bằng cho dù sự tranh đấu của họ có phải hy sinh mạng sống, đã trở thành một chiến dịch lớn mạnh như một cơn bão, như vết dầu loang đang lan tràn khắp nơi, đang thổi đến các nước ở Đông Nam Á, làm các nhà lãnh đạo ở các Quốc gia này đang phải nhức đầu, e dè sợ hãi, đang tìm cách ngăn chặn, bắt bớ... liệu cơn bão này có thổi đến Việt Nam, quê hương tôi ?

Quê hương tôi, sau mấy mươi năm dài vẫn đắm chìm trong sự bất công, tham nhũng, nghèo khó. Chính sự đàn áp này đã và đang tạo nên những anh hùng, những anh thư, liệt nữ. Họ đã hiên ngang đứng lên để tranh đấu cho người dân, cho những người thấp cổ bé miệng bị bóc lột, chèn ép, mặc dù họ có phải, hoặc đã và đang chấp nhận cảnh tù đày, ngược đãi, hăm dọa, nhưng vẫn một lòng sắt đá không khuất phục, như gương các anh hùng, liệt nữ xưa kia... Họ luôn làm tôi xúc động, kính phục và ngưỡng mộ .

Thế giới này rồi sẽ đi về đâu? Quê hương tôi tương lai sẽ thế nào? khi các thành phố của quê hương tôi đang bị ru ngủ bởi những cuộc ăn chơi phù phiếm, giả tạo? Giá trị con người bị thua kém? Trong khi ở những nơi xa thành phố, xa tai mắt các chính khách, báo chí ngoại quốc... đời sống người dân ở các vùng thôn quê, các vùng cao nguyên hẻo lánh ở miền bắc lẫn miền nam đang bị đe dọa, bóc lột, trấn áp bởi những người quyền thế đầy bạo lực, hay chính ngay tại các hóc hẻm của thành phố, người dân cũng bị bịt miệng, che mắt, ngược đãi....

Hôm nay đầu tháng 4, nơi này nắng lên cao, ánh nắng chói lòa trên vạn vật, len qua mành cửa sổ chỗ tôi ngồi. Trong khi đó, một vài tiểu bang miền bắc tuyết vẫn còn rơi, mùa xuân vẫn chưa về ... chợt tự hỏi lòng ...biết đến bao giờ biển mới trở nên hiền hòa thôi giận dữ? Bao giờ trái đất cùng với hiểm họa chiến tranh thôi bùng nổ ? Bao giờ tâm hồn con người biết lắng dịu để đến gần nhau hơn? Bao giờ đời sống con người được tôn trọng trong công bằng, nhân ái, tự do, hạnh phúc?... Hay lại phải nhờ đến một cơn gió thoảng thổi qua trái đất này để tất phải làm lại từ đầu ...? Vâng, làm lại từ đầu ....


Nguyễn Thị Tê Hát

Giã Từ...


Chắc chắn đây là lần cuối cùng đứng trên bục cao để giới thiệu chương trình văn nghệ, của buổi gây quỹ hằng năm cho các trẻ em mồ côi, các em khuyến tật, cho những người bịnh phung cùi, cho những người bịnh tâm thần già nua bịnh hoạn ở 3 miền VN... Giã từ tất cả những chương trình văn nghệ khác ...

Đã bao lần hứa với người bên cạnh, hứa với chính mình sẽ giã từ tất cả, nhưng sau cùng cũng bị ơn nghĩa, lôi kéo, rốt cuộc rồi lại cứ phải đi lên đứng trên cao để giới thiệu, cho dù được khen tặng, được chiều chuộng nhưng sao cảm thấy không thích nữa, không vui, không còn hứng thú khi giới thiệu nhạc, giới thiệu ca sĩ như những năm về trước, cho dù số tiền thu được tối thứ 7 vừa rồi hơn $14,000 ... đủ chia ra những địa điểm đang cần sự giúp đỡ tại quê nhà ...

*
- Sao vừa rồi không thấy tụi em đi họp ....?
- Dạ em đi Canada mới về,
- Mọi người đang muốn nhờ em ...
Tôi vội vã ngắt lời:
- Thôi anh, em không làm nữa đâu, em hết thích rồi ...
- Tại sao lại hết thích, em giới thiệu ....
- Em muốn được ngồi phía dưới thôi, thiếu gì người làm anh,
- Nhưng em giới thiệu ...
- Thôi anh, cho em xin, em không làm nữa đâu, em không thích nữa ...

*
- Xin lỗi, cô cho tôi hỏi một vài câu được không ạ ?
Quay lại nhìn người đàn ông mới gặp lần đầu:
- Dạ thưa vâng,
- Tôi là BS... phụ trách chương trình giáo dục và văn hóa tại đây, tôi đã nghe nói nhiều về cô, hôm nay mới có dịp được gặp .. .
- Dạ vâng, tôi cũng có nghe nói nhiều về công việc của BS đang làm
- Chúng tôi có thể mời cô thuyết trình ...
Tôi giật mình kêu lên:
- Ấy chết, không dám đâu BS...
- Không không, đừng ngại, chúng tôi sẽ mời cô tham dự với chúng tôi vài lần trước tiên để cô biết thêm sự sinh hoạt của chúng tôi, sau đó ...
- Dạ nếu BS mời tham dự thì được, chứ còn "Thuyết trình" nghe to lớn quá , không dám đâu ạ...

*
- Anh nghe bạn bè nói em có 10 Bức Thư Tình Không Gởi, cho anh xem được không ?
- Em không còn đủ sách để tặng nữa ...
- Vậy cho anh mượn để anh copy được không ?
Muốn từ chối:
- Anh có thể vào internet để in ra vậy .
- Nhưng anh muốn mượn tuyển tập có 10 Bức thư của em ... cho anh mượn nhé, có thể cho anh đọc trước khi anh về VN được không?
- Thì anh cứ về đi đã, khi nào anh sang hãy tính .
- Gởi cho anh được không?
Tôi đùa:
- Anh rõ kỳ, 10 Bức thư đó em viết cho người ta chứ có phải cho anh đâu mà anh nhất định đòi đọc ... nhưng để em nghĩ cái đã ...

*
Mấy hôm trước, trước ngày tổ chức:
- Nếu tìm được bài hát thì nhớ email cho chị ...
- Chị, sao email của chị giống bút hiệu quá vậy ?
- Yes!
- Vậy chị là ....
- Yes!
- Oh, ra là chị ... em ở đây đã lâu mà đâu có biết chị cũng ở tiểu bang này ? Em đọc rất nhiều những gì chị viết, chị đừng bỏ đi tiểu bang khác nghen
- Đi tiểu bang nào ?
- Đi Cali chẳng hạn, chị đừng bỏ tiểu bang này nhé !
Tôi bật cười:
- Dĩ nhiên rồi, làm sao mà đi nơi khác cho được khi mà chị đã mọc rễ ở đây quá lâu ...

Đúng rồi, làm sao chị đi nơi khác cho được khi mà rễ đã đâm sâu, khi mà tuổi đời trải quá dài nơi này theo những cơn gió lốc, theo những cơn nắng cháy làm cong queo nỗi buồn, theo những mùa đông lạnh giá làm rong rêu một đời ....

Giã từ bục cao, giã từ những chiếc áo dài kiêu sa của ánh đèn màu ... giã từ những tình cảm vây quanh, đón mời .... giã từ tất cả, giã từ cả những bài sách Thánh đọc trong Thánh lễ, giã từ...


Nguyễn Thị Tê Hát

Giòng Thời Gian!...

Không những tornadoes thỉnh thoảng tung hoành nơi này còn có những cơn gió nóng với vận tốc thổi mạnh, làm đổ những chậu cây được mang ra sau những tháng mùa đông lạnh giá . Gió nóng như bắt đầu xấy khô những sân cỏ, làm lá xanh không vàng nhưng lại khô đến dòn vỡ . Những bông hồng nở đầy cành nhưng lại không kip xòe cánh to . Những trái cây trên cành không đủ lớn cho dù có tưới nước bao nhiêu cũng không đủ . Nắng và nóng đến nỗi không dám bước ra ngoài . Cái nóng hừng hực như chưa bao giờ có của những nhăm trước đây đang hoành hành không biết đến lúc nào mới chấm dứt . Cây bông sứ càng ngày càng to lớn xum xuê hoa lá, vậy mà cứ đổ mãi chỉ vì những cơn gió mạnh không kể ngày đêm, mỗi lần nhìn ra ngoài lại thấy chậu cây nằm ngả nghiêng, những cánh hoa vàng rơi rụng, cành lá bị dập, thấy xót xa vô cùng, cho dù có chêm, có đè nặng thế nào lên chậu đi chăng nữa ... đành phải thức dậy thật sớm lúc 5g30 sáng, để thay chậu, đặt chậu sát cửa ra vào để tránh gió . Cũng chính vì thế, nhiều khi trên đường đi làm, phải đi sớm hơn thường lệ, để ghé vào chợ mua những thực phẩm cần thiết, bỏ vào tủ lạnh ở chỗ làm, để tránh phải đi dưới cái nắng, cái nóng sau giờ làm việc .

Sáng Chủ Nhật đi lễ, nhưng bãi đậu xe cũng đã đầy, tuy là nhà thờ mới với một bãi đậu xe rộng lớn. Đến nơi cũng vừa đúng lúc bản thánh ca trổi lên bắt đầu Thánh lễ, vội vàng đi lên hàng ghế trên, chỗ ghế còn trống .... Nhà thờ mới, vừa mới khánh thành với 5 hàng ghế xắp xếp như hình bán nguyệt trước Cung Thánh . Những bản Thánh ca tôn nghiêm trổi lên với những giọng ca solo nghe thật ngọt ngào làm dịu mát tâm hồn sau những ngày nóng bức mệt mỏi . Tiếng Linh mục giảng phía trên là một Cha khách đến từ Tulsa, giọng của Cha như một nhà hùng biện với một bài giảng phong phú, như muốn đánh thức những tâm hồn đang say ngủ trong hận thù, ích kỷ .

Khi ... "Anh chị em hãy chúc bình an cho nhau", mọi người quay sang bắt tay nhau ... Quay xuống dưới dể bắt tay chúc bình an cho những người phía sau . Chợt thấy người phía sau lưng ... tròn mắt ngạc nhiên khi nhận ra, nhoẻn miệng cười ... người phía sau với nụ cười có sẵn trên môi như chờ đợi tôi quay xuống ....chúng tôi bắt tay chúc bình an cho nhau ...
Thánh lễ xong, chúng tôi cùng bước ra ngoài ... hắn thì thầm :
- Người ta nói thời gian đi tới, còn chị, hình như thời gian đi lùi lại, thấy chị càng ngày càng ...
Không để hắn nói hết, tôi đưa tay lên môi:
- Suỵt, xạo vừa thôi, Chúa nghe chết ... à mà này, về đây hồi nào vậy ?
- H vẫn ở đây chứ đâu có đi đâu ...
- Vậy sao chị không thấy ? Bộ muốn đi tu hay sao mà tóc tai đâu hết ...
Nhìn hắn, tôi thấy da hắn đậm hơn, lại cũng bởi cái nắng gay gắt nơi này...
- H bận quá, đang sửa lại nhà ...

Hắn vẫn một mình, tôi cũng không thấy bóng dáng ai bên cạnh ..., hắn vẫn thế, vẫn cô đơn, vẫn cứ một mình, có lẽ sự đổ vỡ của hắn đã làm hắn sợ hãi, chùn chân ? không dám mở lòng ra? cho dù nhiều cô theo đuổi bởi hắn điển trai mà lại khéo nói.... lần sau gặp lại, tôi phải hỏi mới được .... Thời gian vội vàng, dăm ba câu chuyện trò, hỏi thăm, chúng tôi chia tay, .. chúng tôi vui vì bất ngờ gặp lại nhau. Cái tiểu bang này đâu có đủ to, đủ lớn vậy mà cũng khó gặp nhau đấy chứ...

Ngồi trong xe, chợt nhớ đến Đại hội Thánh Mẫu năm nào, có CTG, có Bác Từ . Cả 4 chúng tôi sánh vai nhau, thả bước dài trên những con đường đông người chen chúc qua lại, hàng quán náo nhiệt với những quán ăn hai bên đường . Chúng tôi nói chuyện đời, chuyện văn chương, hắn đọc cho tôi nghe bài thơ hay, dài mà hắn vừa mới sáng tác chưa kịp bỏ lên nét ... tiếng hắn chậm rãi ...
- Mình đi như thế này, H có cảm tưởng như đang đi giữa SG về đêm ....
Tôi gật đầu ... có lúc chúng tôi lặng lẽ đi bên nhau như mỗi người đang hồi tưởng lại ký ức của riêng mình của một thời đã qua. Câu nói của hắn làm tôi nhớ Qui Nhơn thật nhiều, nhớ đến những lần theo chị và bạn của chị đi cine về khuya, cầm giầy trên tay, tung tăng chân trần trên đường nhựa, bỏ chị và bạn chị đằng sau . Những đêm ấy cũng có những cơn gió mát nhẹ về đêm từ biển thổi vào, như những cơn gió nhẹ về đêm ở Đại Hội Thánh Mẫu ... Một buổi tối thật nhẹ nhàng, tâm hồn như lắng đọng ....những giây phút ấy hình như ít bắt gặp trong đời sống hằng ngày ...

Không biết Đại hội Thánh Mẫu năm nay, gió có mát nhẹ cho lòng người bình an như một ngày Thánh Mẫu nào đó đã qua đi cách đây mấy năm ?... lại thêm một kỷ niệm được bỏ vào hộc tủ ....


Nguyễn Thị Tê Hát

Tornadoes - Những Con Gió Lốc


Đất trời như giận dữ, càng lúc càng có những hiện tượng thời tiết bất thường, khí hậu không còn hiền hòa, dịu mát như xưa, cái nóng hung húc làm khô cạn những con sông nhỏ. Lòng biển hậm hực như uất nghẹn điều gì nên thỉnh thoảng lại vùng lên tàn phá những hòn đảo hay những giải đất nằm theo biển thành bình địa, cuốn tất cả vào lòng biển như một Nhật Bản đã và đang hứng lấy những thảm họa vừa qua. Núi lửa cũng đang hậm hực để một góc trời Âu Châu đã phải hứng lấy những đám khói bụi đầy trời đến nỗi các chuyến bay không thể cất cánh ... thiên tai xẩy ra khắp nơi, nhưng một góc nào đó ở Trung Đông, súng đạn vẫn tả tơi, máu người vẫn lênh láng ...

Nơi đây, thiên đàng của những mơ ước cũng đang hứng lấy những thảm họa thiên tai do những con nước gây lụt lội, cuốn trôi nhà cửa, hoa màu . Những cơn gió lốc luôn giận dữ đi ngang để càn quyét một phần đất của những tiểu bang nằm dọc theo vùng Trung Mỹ vừa qua đã gây nên biết bao cảnh tang thương, khốn khổ.

Những năm sau này, mỗi lần tuyết rơi nhiều, mang theo gió lạnh làm trơn trượt đóng băng, nhân viên tiểu bang được về sớm, hoặc nghỉ 1, 2 ngày nếu thời tiết quá xấu như năm vừa rồi, nhưng chưa có năm nào được về khi những cơn gió lốc dự báo sẽ đi ngang...
2g 30 trưa, thông báo có tornado với cơn gió thật mạnh, ai muốn về thì về ... một số người vội vã ra về vì ở xa ... dự định sẽ làm cho đến 4g chiều như mọi ngày ... nửa tiếng sau, tiếng loa thông báo, mọi người phải rời building ngay lập tức, moi> người vội vã tắt computer ra về . Tất cả nhân viên của state đều tuôn ra cùng một lúc, con đường ứ nghẹn trước khi tuôn ra các highways... gọi ĐT cho con bé nói cẩn thận và nên về sớm vì tornado.. Gọi cho con trai, thằng bé đang công tác ở Dallas. Gọi bà ngoại của 2 nhóc cho biết nhân viên tiểu bang phải đi về vì tornado, liệu mà dọn dép thu xếp để đưa mấy mẹ con nhóc tì xuống hầm ....Gọi người ta lần nữa xem sao...
- Mình đang ở đâu đó ?
- Ở tiệm chứ ở đâu, người ta đang làm mà cứ gọi hoài .
- Tornado đến nơi mà còn ở đó làm gì, mình có biết là phía west của El Reno trời thậm tối đen không? Về ngay đi, đừng ấm ớ nữa, về ngay đi ....
Thấy con nhỏ cuống quýt hét to trong máy, người bên kia vội vã:
- ỌK, OK, biết rồi, về ngay ....

Đường trên highway đang sửa đường, xe cộ chậm chạp nối đuôi nhau, radio trong xe loan báo từng bước di chuyển của con gió lốc ... tim đập mạnh, hồi hộp, trong khi đoàn xe hướng về phía west cứ chậm chạp trên đường ...

Phải mất 1 tiếng mới về đến nhà thay vì chỉ có 25 phút . Về nhà không thấy người ta đâu, lại gọi:
- Mình đang ở đâu vậy ?
- Đang ở trước cửa nhà chứ đâu,
- Xạo
- Xạo gì, đứng xoay lưng lại làm sao mà thấy
Bật cười vì sự quá lo lắng của mình:
- Thật không ?
- Thật

Vội vã bỏ điện thoại bước ra ngoài, vẫn không thấy xe đâu, bực mình nói thầm:
- Đúng là xạo mà .

Một lúc sau mới có tiếng cửa garage mở ... vội vã chạy ra:
- Sao bây giờ mình mới về ? vậy mà nói đang ở trước cửa nhà, đúng là ba xạo .

Tiếng còi hụ báo hiệu inh ỏi liên hồi, bầu trời xám, vẫn chưa thấy một giọt mưa, các băng tần trên TV hầu như mọi đài của tiểu bang đều loan báo về những diễn tiên mà con lốc sẽ lướt trên những town nhỏ của tiểu bang, đã thấy một vài nơi con gió đáp xuống cuốn tung tất cả lên cao, xé nhỏ vạn vật thành từng mảng bay tản mạn trên không giữa đám bụi đỏ, sấm chớp ầm ầm lẫn tiếng còi hụ vang trời, trên TV loan báo các thị xã có con lốc sắp sửa đi qua, tất cả mọi người phải tìm nơi trú ẩn ngay lập tức ... TV lại thình thoảng bị mất làn sóng ... cơn mưa ào đổ xuống ....

Cơn gió lốc như một con khủng long điên cuồng, lần lượt hầu như đi ngang các thị xã không một chút e ngại ... vài thị xã của tiểu bang đã bị tàn phá thảm khốc, bản tin cho biết những thiệt hại về nhà cửa cũng như số người bị thiệt mạng và những người bị thương do cơn lốc gây nên...

10g đêm mọi sự lại trở nên yên tĩnh .

Hôm sau điện thoại các nơi gọi đến, lẫn email của bạn bè các nơi:
- Con có sao không?
- Em có sao không?
- Chị có sao không?
- Mày có sao không?
- Tụi nhỏ có sao không?

Không, không sao cả nhưng tên làm chung mới ký giấy nhà tuần trước, 2 vợ chồng hý hửng tuần tới sẽ dọn nhà, căn nhà vừa mới xây xong, trong phút chốc chỉ còn lại một cái nền trơ trọi ...

Bao nhiêu năm trời ở đây, rễ đã bén sâu mà mới biết rằng nơi đây là nơi có những cơn gió mạnh nhất thế giới, gió chứ không phải tornadoes, và là nơi đón nhận nhiều tornadoes nhất trong các tiểu bang của nước Mỹ ....


Nguyễn Thị Tê Hát