Khi biết tôi dự tính đi Cali, chị tôi luôn miệng phản đối, ngăn cản:
- Chị nghĩ đừng nên đi
Tôi ngạc nhiên:
- Tại sao? Em đã hẹn với Liên rồi mà
Không quay lại, chị vừa trang điểm, vừa nhìn tôi qua gương:
- Chị chỉ nói em đừng nên đi thế thôi.
Tôi bực mình gắt lên vì cái tính độc tài không bao giờ thay đổi ở chị:
- Chị vô lý, tại sao lại đừng nên đi, chị phải nói rõ lý do tại sao chứ ? Chị lúc nào cũng ỡm ờ, vô lý, lúc nào cũng muốn em phải nghe lời chị cho dù em không còn bé như ngày xưa. Chị lúc nào cũng muốn người khác phải theo ý mình, cho dù chị thích hay không thích.
Thấy tôi nổi quạo, chị ngừng trang điểm, nhưng vẫn nhìn tôi qua gương:
- Đừng nóng, thì tại nó nghĩ em bồ với chồng nó chứ sao.
Tôi giật mình đứng nhìn chị sững sờ, như không tin ở tai mình, giọng tôi lạc đi, lắp bắp:
- Cái gì ? Chị, chị ... chị nói cái gì ?
Chị thản nhiên vừa trang điểm tiếp, vừa nói:
- Hôm trước chị nó gọi điện thoại nói chuyện với chị, chị nó nói ngày xưa em với Hoàng, chồng con Liên bồ nhau.
Tôi thảng thốt kêu lên như con chim vừa bị trúng tên:
- Trời đất, chuyện đúng là trên trời rơi xuống, chuyện quái đản, mấy người này bịa đặt, nói bậy không à.
Chị nhún vai vừa tô môi, vừa nói:
- Chị đâu biết, chị chỉ nghe chị nó nói nên nói cho em biết vậy thôi, tin hay không thì tùy, chơi với bạn liệu mà chơi.
Tôi nhìn chị khó chịu, bực mình, chưa lúc nào tôi thấy chị tôi khó ưa đến như vậy:
- Nếu thế em lại càng nên đi để hỏi cho rõ chuyện, mấy người này nói chuyện gì đâu không à, em không tin nó nghĩ em với ông Hoàng như vậy, từ hồi nó lấy chồng, em có gặp 2 người đó đâu, bộ hết người hay sao mà em đi bồ với chồng của bạn mình? Em đâu có điên.
Tôi ngồi thừ người xuống ghế nhíu mày thắc mắc, không hiểu sao lại có chuyện quái đản như vậy. Tôi thế này mà lại đi bồ với chồng của bạn mình? Tôi có điên không? Hay là có mà tôi đã quên? Hay cuộc sống vội vàng nơi đây đang ăn mòn ký ức của tôi? Vô lý, chuyện to lớn như vậy làm sao tôi có thể quên cho được? Tại sao tôi lại không một chút mảy may nào nghĩ đến Hoàng trong những năm tháng nơi xứ người? Tôi chỉ bắt đầu nghĩ đến 2 vợ chồng Hoàng khi tôi đã liên lạc được với Liên, chúng tôi liên lạc bằng cách nào tôi cũng không nhớ ra. Tôi tư lự nói:
- Em không hiểu tại sao lại có chuyện kỳ quặc, quái đản đến như vậy? Cách đây mấy hôm, em cũng nhận được email của Hà, em ông Hoàng, con bé nói "-Em cứ tưởng chị sẽ là chị dâu của em...", đọc email của nó mà em không hiểu gì cả, cứ thắc mắc hoài tại sao con bé lại hỏi em một câu kỳ quặc như vậy? Hay em đã bị mất trí nhớ? Hay những người chung quanh em đang điên?
Chị tôi nhún vai không trả lời, trông chị thấy ghét vô cùng, chúng tôi cùng im lặng, những lời nó của chị cứ quanh quẩn trong đầu như không sao tách ra được. Tự dưng tôi đâm ra hoang mang tự hỏi, hay là đầu óc tôi có vấn đề nên không nhớ được những gì ngày xưa? Tôi run run nói như nói với chính tôi mà không phải với chị, giọng tôi lạc đi:
- Em vẫn không tin... Liên với em là bạn từ bé cho đến lớn, hồi nhỏ 2 đứa đi đâu cũng có nhau, nó cặp bồ với ông Hoàng làm sao em cũng biết, đám cưới nó, nó còn mua vải đưa em may áo làm phù dâu, nhưng mẹ không cho, mẹ bảo làm phù dâu mất duyên con gái, vậy mà bây giờ mấy người lại nghĩ tầm bậy cho rằng em bồ với ông Hoàng, đúng là điên...
Cổ tôi nghèn nghẹn, nước mắt tôi lăn dài xuống má vì ấm ức, chị quay lại nhìn tôi với cái nhìn tội nghiệp, trên tay vẫn còn cầm cây viết chỉ kẻ mắt:
- Thế có còn giữ ý định đi Cali gặp nó nữa không?
Tôi nhìn chị, giọng run run gắt lên:
- Tại sao không? Đi để hỏi cho rõ chuyện, vả lại em với Liên đã nhiều năm không gặp, kỳ này có cơ hội tại sao không đi ? Hai đứa em hẹn nhau rồi, mấy người đừng tính chia rẽ tụi em, nói gì thì nói, em vẫn không tin Liên nghĩ em với ông Hoàng như vậy.
Chị tôi tiếp tục trang điểm, lạnh lùng buông thỏng:
- OK, fine, tùy ...
Chưa bao giờ tôi thấy ghét chị tôi bằng lúc này, tôi ghét cái lối nói lạnh lùng, cái nhún vai bất cần của chị luôn làm tôi muốn nổi tung vì tức tối vì giận. Không thèm nói, tôi quay lưng bước nhanh ra khỏi phòng. Như chương trình đã định, sau khi Liên cùng gia đình đi chơi ở Florida về, còn tôi sau khi dự đám cưới, sẽ đi San Diego để gặp Liên, chúng tôi hẹn nhau từ lâu, nôn nóng gặp nhau, không ai có thể cản ngặn sự gặp gỡ của chúng tôi, bởi Liên là cánh cổng của một góc trời xưa cũ mà tôi nhất định phải bước vào, tôi và Liên nhất định cầm tay nhau dắt vào . Chỉ nghĩ đến đó tôi đã thấy mình nôn nao, rạo rực. Chúng tôi xa cách nhau từ khi Liên lấy chồng. Liên cùng trang lứa với tôi, nhưng lại trưởng thành trước tôi. Liên đã biết yêu, biết hò hẹn, trong khi tôi vẫn ngu ngơ đùa vui, líu lo ca hát, thích bắt nạt người khác, thích được nuông chiều. Tôi hồn nhiên không để ý đến ai, đến những ánh mắt đằng sau, đến những lời nói úp mở hay đưa đẩy ở một góc cạnh nào đó mà tôi hững hờ không quan tâm đến.
Tôi và Liên lớn lên bên nhau, thân thiết bên nhau qua những buổi đọc kinh tối, qua những Thánh Lễ tinh sương khi điện đường chưa tắt, khi cổng nhà thờ còn đóng kín mít. Hai đứa lúc nào cũng như bóng với hình, không rời nhau. Những ngày cuối tuần, rủ nhau đạp xe lang thang qua những con đường ngòng nghèo trong chân núi để tìm hái những chùm chà là, những chiếc lá màu đẹp mang về ép vở. Chúng tôi thì thầm kể chuyện với nhau, không dám gọi tên nhau, sợ ma núi nghe được, đêm về dẫn đi. Những kỷ niệm ngây ngô ấy như rong rêu bám chặt vào đời tôi như không sao quên được, như những chuyện thần thoại cổ tích muôn đời vẫn ăn sâu trong tâm trí tôi từ khi còn bé cho đến bây giờ ... Nhưng với Liên, Liên khác tôi, Liên thực tế hơn, Liên không mơ mộng, lãng mạn, thơ thẩn dễ khóc như tôi, Liên cứng rắn hơn, trầm lặng hơn, Liên bỏ cuộc chơi thật sớm, không chút nuối tiếc. Liên lấy chồng ở cái tuổi chưa đủ để làm giấy hôn thú. Hoàng, chồng Liên là một trong đám bạn thơ văn, đàn hát của tôi, họ đều hơn tuổi tôi và Liên, tôi vẫn ngây thơ với tháng ngày để rồi thỉnh thoảng lãnh những trận đòn phạt của bố mẹ vì ham chơi, vì mải mê thơ văn đàn hát mà quên bữa cơm chiều, quên cả sách vở .
Chiến tranh càng ngày càng sôi động, càng khói lửa. Hoàng và một số bạn bè tiếp tục lên đường nhập ngũ, sau đó Hoàng trở thành lính Biệt Kích Dù. Đám cưới của Hoàng và Liên có đông bạn bè tham dự. Sau một thời gian ngắn, Hoàng đưa vợ lên Pleiku, nơi đơn vị Hoàng trú đóng. Thỉnh thoảng chúng tôi biết tin nhau qua bạn bè, lúc đó được biết họ đã có 2 con, đời sống khó khăn, chật vật. Không có Liên, tôi không còn đi lễ sáng, không còn đi đọc kinh tối, và cũng không tham gia ca đoàn để tìm cách trốn hát vào những Thánh Lễ nửa đêm. Những lúc ấy, tôi nhớ đến Liên thật nhiều, nhớ cả chiếc áo bà ba mà Liên may cắt cho tôi. Nhưng chúng tôi không tìm cách liên lạc nhau, không thư từ qua lại, bởi tôi có cái thế giới học trò của riêng tôi, còn Liên, Liên có cái thế giới làm mẹ, làm vợ của riêng Liên, cho đến khi đất nước tan hoang, như một cơn giông bão làm cuộc sống mọi người ngả nghiêng đảo lộn.
Gia đình tôi cũng giống như hằng triệu gia đình khác, cuộc sống chênh vênh, không còn bình an, gia đinh tôi đã mất hết tài sản, trên con đường sinh tử theo đơn vị ba tôi vào Nha Trang, để từ đó di tản vào ở hẳn trong Sài Gòn. Cuộc đời binh nghiệp của ba tôi cũng chấm dứt từ chặng đường oan nghiệt đó. Về sau, mẹ tôi gặp bạn bè ở Quy Nhơn cho biết gia đình Liên đã di tản sang Mỹ vào những ngày trước khi miền nam bị sụp đổ.
Không biết cơ duyên nào chúngt tôi tìm được nhau, khi liên lạc được với Liên thì được biết Hoàng không còn nữa, tôi nuối tiếc vì không còn dịp gặp lại Hoàng. Hoàng đã chết trong một tai nạn xe cộ ở Los Angeles. Nhưng vì Liên ít nói, ít nhắc đến cái chết của Hoàng nên tôi cũng không dám hỏi, chỉ sợ lòng nhiệt thành của mình vô tình chạm đến vết đau của bạn. Những lần vô tình nhắc đến Hoàng, Liên chỉ nói chừng mực, nói phơn phớt qua cuộc sống của 2 người từ ngày đặt chân sang Mỹ. Trong giọng nói của Liên nghe nhiều mệt mỏi, nghe trĩu nặng, nghe như oán hờn ... càng nghe, tôi càng ngỡ ngàng và không hình dung được hình ảnh Hoàng trong giọng kể của Liên, tôi có cảm tưởng như Liên đang nói về một người đàn ông xa lạ nào đó mà tôi không hề quen biết. Không ngờ cả hai đã đánh mất tình yêu đầu đời của mình, đã không tìm được tâm hồn của nhau sau ngày cưới. Cả hai chênh vênh đơn độc trong ý nghĩ, trong tư tưởng và trong cả lý tưởng của mình. 10 năm sau ngày Hoàng mất, tôi nhận được thiệp cưới của Liên, nhưng vì lúc ấy bận với cuộc sống gia đình, nên tôi đã không tham dự.
Chuyện của Hoàng và Liên cứ khuấy động trong tôi, sau những lần nói chuyện với Liên, tôi có cảm tưởng như Liên đang dấu tôi một điều gì đó. Những lời nói của chị tôi lại cứ lởn vởn trong đầu, làm tôi hoang mang, tôi tự hỏi chính mình, có thật ngày xưa tôi và Hoàng đã bồ nhau? Chuyện kinh khủng ấy làm sao chúng tôi có thể làm được. Làm sao mà tôi có thể quên một cách dễ dàng như vậy? Tại sao tôi lại không một chút mảy may ý niệm nào về tình cảm giữa tôi và Hoàng? Chẳng lẽ đầu óc tôi lại bịnh hoạn đến thế? Tại sao em của Hoàng cũng email cho tôi: "- Gia đình em cứ tưởng anh Hoàng sẽ lấy chị, nào ngờ không phải. Em nhớ mỗi lần anh Hoàng về phép, lúc nào anh ấy cũng mua quà cho chị với chị Liên. Quà của 2 chị bao giờ cũng giống nhau. Quà của chị Liên anh Hòang mang qua, còn quà của chị anh Hoàng sai em mang đến ... bộ chị quên rồi hả? Chị có còn nhớ cái nhà sàn của người Thượng mà anh ấy mua tặng chị không ?..."
Hà nhắc thế nào tôi cũng không tài nào nhớ ra. Tôi chỉ nhớ rõ có một tối Hoàng đến nhà tôi, nói cho tôi biết anh Vân yêu tôi, anh Vân đang say bí tỉ ở nhà Hoàng, cho dù ngày mai là ngày cưới của anh. Những lời nói của Hoàng làm tôi rung động, làm tôi bất ngờ đến sững sờ ... Hoàng bảo tôi đến nhà Hoàng gặp anh Vân một lần, nhưng tôi không đến, tôi chỉ biết những lời nói của Hoàng về tình cảm anh Vân dành cho tôi đang làm tôi chao động, choáng váng, tôi đã khóc thật nhiều tối hôm ấy và tôi cũng không hiểu tại sao tôi lại khóc? Vậy mà chiều hôm sau, tôi vẫn ngây thơ đi dự đám cưới của anh như thường, như không có chuyện gì xảy ra cho tôi, tôi chỉ biết mọi người trong gia đình anh vẫn cưng chiều tôi như đứa em út trong gia đình. Nhưng ánh mắt của anh có vẻ buồn, có vẻ hờn trách và không tự nhiên khi nhìn tôi như trước .... Sau đám cưới, anh trở về đơn vị để vài tháng sau được tin anh gục ngã trong chận chiến ở Hạ Lào, trước khi hiệp định ngừng bắn được ký kết .
Những ký ức ngày xưa lần lượt trở về như một cuốn phim cứ tuần tự đi qua, vậy mà không một ấn tượng nào về tình cảm giữa tôi và Hoàng, cho dù mơ hồ đi chăng nữa. Những lời nói của chị tôi bất chợt lại trở về làm tôi khó chịu, tôi cố xua đuổi những lời nói kỳ quặc ấy, chính tôi cũng không thể chấp nhận cái tình cảm của tôi và Hoàng chứ đừng nói là người khác. Tôi nhủ thầm ... không thể nào có chuyện tội lỗi, chuyện động trời như vậy ... vô lý, vô lý lắm, vô lý vô cùng ...
Sau đám cưới Tuấn, con trai của bố mẹ đỡ đầu các con tôi. Tôi tham dự đêm ra mắt sách ở Nam Cali, sau đó nhờ người đưa đi San Diego như dự định. Đường đi San Diego về khuya, trời lành lạnh như khí hậu về đêm của Dalat làm tôi dễ chịu hơn nhiều. Vợ chồng Liên ra đón, hai chúng tôi mừng rỡ gặp lại nhau, lòng tôi rộn rã, tôi muốn ôm lấy bạn trong vòng tay, muốn ghì thật chặt như muốn níu cả bầu trời tuổi thơ của chúng tôi trở lại. Thái, chồng của Liên đứng mỉm cười nhìn chúng tôi ríu rít. Trông Thái hiền lành dễ mến, nhìn anh tôi thầm nhủ ... bạn tôi tha hồ được cưng chiều, tha hồ mà bắt nạt, để đền bù những năm dài lênh đênh trong nỗi đau khổ của riêng mình.
Về đến nhà Liên, nhìn 2 valy còn nằm giữa phòng khách, nhìn vợ chồng bạn, nhìn lại mình, đứa nào đứa nấy mệt nhoài vì những ngày vừa qua. Nhìn lên đồng hồ trên tường, 2 đứa nhìn nhau, vài ba câu rồi nhào vào phòng mình. Giấc ngủ đến nhanh, không cần khách sáo cho dù lạ phòng, lạ giường. Nằm trên giuờng mà vợ chồng Liên sửa soạn, dành cho tôi, tôi cảm thấy một sự yên tâm, an toàn ... Trong giấc ngủ, tôi chập chờn mơ về khoảng trời ngày xưa, nơi có biển, có núi, có 2 chiếc bóng nhỏ bé đi bên nhau dưới ánh điện đường của những sáng thật sớm, của những tối khuya, khoảng đồi núi có 2 cô bé đang dợm dợm chân cố với những cánh hoa đẹp, những chùm chà là chín đen trong bụi gai. Tôi nghe thấy cả tiếng ve kêu inh ỏi, tiếng đàn hát trong khu vườn của ngôi nhà gần chân núi ... tất cả lần lượt đi qua và tôi thấy có cả bóng dáng Hoàng, bóng dáng anh Vân đang ôm đàn ngồi dưới gốc xoài với cả một đám bạn đang lao xao cười nói ...
Tiếng chim hót líu lo làm tôi giật mình. Trong nhà lặng im, không một tiếng động, tôi nhẹ nhàng thay quần áo rồi bước xuống nhà, không ngờ Thái cũng đã dậy từ lúc nào, đang loay hoay với ấm nước:
- Thanh dậy rồi hả? Uống cafe nhé!
- Dạ vâng, cám ơn anh, Liên đang ngủ hả anh?
Đưa tôi ly cafe anh vừa quậy nói:
- Không, cô ấy dậy rồi, có lẽ đang ở phòng tắm, Thanh có muốn xem vườn cây của tụi này không ?
Tôi mỉm cười gật đầu, đỡ ly cafe từ tay Thái, theo anh bước ra sau vườn. Vườn hoa, trái cây đủ loại làm tôi mê mẩn. Vợ chồng Liên năm nào cũng gởi cho tôi một thùng trái cây, nào hồng, nào ổi, trái nào trái nấy thật bắt mắt. Liên cũng vừa bước ra, chỉ cho tôi xem những trái hồng đang chằng chịt trên cây, những trái ổi xá lị đang trĩu cành, làm tôi nhớ đến cây ổi xá lị trồng sau vườn nhà tôi ở Qui Nhơn, trái nào trái nấy thật to, ruột thật ít, ba mẹ tôi thường hái từng cặp ổi để biếu bạn bè cho họ chưng bàn thờ ... tôi đưa tay vuốt nhẹ từng trái lơ lửng trên cành ... chẳng bù nơi tôi ở, cây cứ phải trồng trong chậu .
- Liên chăm sóc hay anh Thái chăm sóc vườn cây vậy?
Liên cười:
- Mình chứ ai vào đây? Ông ấy lười lắm, chỉ nhờ có mỗi việc là đóng thùng gởi trái cây cho Thanh thôi, còn ngoài ra lúc nào cũng ngồi trước TV, mê TV còn hơn mê vợ đó Thanh.
Tôi cười với Liên, tôi vui với cái hạnh phúc mà bạn tôi đang có. Vợ chồng Liên đưa tôi đi ăn sáng. Trời còn sớm nên chỉ có một tiệm phở duy nhất mở cửa vào lúc này. Ăn xong, Thái đưa 2 chúng tôi ra biển, biết chúng tôi cần có khoảng trời riêng với nhau nên Thái đi chậm, lui lại đằng sau. Hai đứa thả bộ dọc theo bãi biển, những con chim hải âu dạn dĩ quanh quẩn gần bên kiếm mồi. Trên bãi cát, không thấy dấu chân người, chỉ thấy những vết chân chim in đậm trên cát, có lẽ đêm qua sóng đã đánh tạt vào bờ, xóa đi tất cả những dấu tích của ngày vừa qua. Chúng tôi đi bên nhau, nhắc lại những kỷ niệm xưa cũ ... Liên kể cho tôi nghe những ngày tháng sau đám cưới của Liên và Hoàng. Cái cảnh Liên phải làm dâu với những chậu quần áo thật to của cả nhà Hoàng, cái cảnh làm vợ, làm mẹ với đời sống thiếu thốn, vất vả trên miền cao nguyên. Những dằn vặt khổ đau với những mối tình vu vơ bên đời của Hoàng, ngậm ngùi nghe bạn kể mà lòng xót xa:
- Sao Liên biết ông ấy có bồ ?
- Mình đâu có biết, chỉ biết khi lính của ông ấy vô tình nói ra
- Rồi Liên làm sao?
- Không làm sao cả
Tôi tròn mắt nhìn Liên hỏi:
- Không làm gì cả? Thật không? Bộ Liên không ghen hả?
- Ghen mà làm gì? Mình có hỏi, nhưng ông ấy chối
- Rồi Liên làm sao?
- Lính của ông ấy mách, vợ hắn đưa mình đến gặp, mình giả bộ là người đến mua tiêu nên cô ta không biết mình là ai, nhưng sau này thì biết.
Tôi tò mò hỏi tiếp:
- Rồi sau đó thế nào?
Liên cười, giọng thản nhiên: - Không thế nào cả, chỉ biết vậy thôi.
Chúng tôi lặng lẽ đi dọc theo mé biển. Thỉnh thoảng lại níu tay nhau chạy vào trong để tránh những đợt sóng đang muốn đùa giỡn liếm vào chân. Liên kể giọng thản nhiên quá, thản nhiên như Liên đang kể chuyện về một người khác chứ không phải chuyện của mình, tôi nghĩ lúc ấy chắc Liên khổ tâm ghê lắm, bởi bản tính Liên trầm lặng, ít nói, ít biểu lộ bên ngoài, không như tôi, vui buồn đều lộ hết trên khuôn mặt, trong giọng nói, trong ánh mắt, nụ cười. Nếu là tôi, chắc tôi sẽ khóc hết nước mắt, sẽ ốm o gầy mòn vì đau khổ.
Liên chậm rãi tiếp: - Sau khi gặp con nhỏ đó, mình về nói cho ông ấy biết, ông ấy im lặng một hồi, rồi mới nói là chỉ vui chơi chứ không có bồ bịch gì hết... Mình nghe vậy cũng im, chẳng nói gì ... mình thấy thất vọng.
Bỗng Liên đứng lại, nhìn vào mắt tôi hỏi:
- Thanh có biết tại sao ông ấy chết không?
Tôi tròn mắt ngạc nhiên:
- Thì Liên nói ông ấy uống rượu say rồi bị xe đụng ...
Liên không trả lời, bước đi, tôi bước theo bên cạnh, chờ đợi sự giải thích của Liên, giọng Liên lạnh lùng, đều đều cất lên:
- Không phải, tại mình dấu Thanh, dấu mọi người, mình không muốn gia đình ông ấy ở VN gặp rắc rối ... thật ra, ông ấy chêt không phải ở Cali.
Tôi níu tay Liên hỏi dồn:
- Vậy là sao? Chuyện gì xảy ra? Nghe Liên nói mình không hiểu gì cả.
- Ông ấy chết vì đi kháng chiến, bị tụi nó gài rồi tự sát ở Campuchia... Tôi điếng người chết lặng, như không tin những gì tôi vừa nghe, đầu óc tôi mù mịt, choáng váng, tôi thấy lạnh sau lưng, tôi thẫn thờ bước đi bên cạnh Liên như một cái máy ... Liên kể cho tôi nghe chuyện của Hoàng, về cái chết bi thương của Hoàng, về cái lý tưởng mà không ai có thể đạp đổ hay đánh đổi kể cả vợ con. Từ ngày đặt chân đến Mỹ, Hoàng không quan tâm đến gia đình, chỉ vun xới cho cái lý tưởng của mình, cái lý tưởng của Hoàng chính là mầm móng gây nên hận tủi, đắng cay trong lòng Liên, như một vết chàm không sao tẩy xóa được. Nghe Liên kể, tôi thấy xe thắt trong tim, tôi là người đàn bà cũng mang nhiều lý tưởng trong đầu, nhưng liệu tôi sẽ ra sao nếu chồng tôi không cùng một chí hướng? Hay nếu chồng tôi là Hoàng, liệu tôi có chấp nhận hay tôi cũng phản đối như Liên?... Tôi không biết nữa, tôi không có câu trả lời cho chính tôi, nhưng tôi biết chắc một điều, nếu vợ chồng không cùng một chí hướng, một lý tưởng sẽ khổ đau ghê lắm, sẽ cô đơn vô cùng. Tôi thấy tội nghiệp Hoàng trong cái lý tưởng đơn độc của mình. Tôi thấy tội nghiệp cho Liên, phải vò võ một mình nuôi con với những năm lạ lẫm nơi xứ người. Nghe Liên kể tường tận về cái chêt của Hoàng mà nghe như tim mình bị muối sát. Tôi đau lòng đến muốn khóc, cổ tôi đắng ngắt, tôi thương bạn tôi vô cùng và tôi cũng xót xa ngậm ngùi cho cái lý tưởng cao cả của Hoàng, cũng như những người đã hy sinh vì đại cuộc mà nằm xuống, cho dù cái lý tưởng của họ đã phải đánh đổi chính hạnh phúc của mình và của những người thân yêu ...
Tôi và Liên im lặng đi bên nhau, thả dài những bước chân không giầy, không dép trên cát, thỉnh thoảng nước dạt vào bờ rồi lại tuôn ra thành bọt trắng xóa, làm tôi nhớ đến bãi biển Qui Nhơn vô cùng. Nhìn lại đằng sau, không thấy bóng dáng Thái đâu, hai chúng tôi bước lên cả chiếc cầu gỗ đưa ra xa mà người ta đang ngồi câu cá 2 bên thành cầu.
Chợt nhớ đến những lời nói của chị tôi, tôi níu cánh tay Liên hỏi:
- Liên, sao chị Len nói là Thanh với ông Hoàng bồ nhau là sao?
Liên bật cười:
- Ồ, tại cái tên quỷ Thạch, hắn tán Thanh không được nên bịa chuyện ra đó mà, hơi sức nào mà nghe, bà Len thì biết gì.
Tôi vẫn chưa an tâm với điều Liên vừa nói, tôi thắc mắc:
- Nhưng sao Hà, em ông Hoàng cũng nói là nó tưởng Thanh lấy ông Hoàng?
Liên im lặng một lúc rỗi khẽ kể: - Nó hiểu lầm, vì khi đi kháng chiến, ông Hoàng lấy tên khác, giống tên ông xã của Thanh nên mới có sự hiểu lầm.
Tôi thở ra, reo lên:
- Hèn chi, con bé cứ email hỏi tên ông xã Thanh hoài làm Thanh thắc mắc.
Nghĩ đến sự hiểu lầm tai hại làm tôi mất ăn, mất ngủ mấy đêm, từ khi nghe chị tôi nói, tôi chép miệng than:
- Thiệt tình cái ông này, đã chết mà còn hại bạn hiền nữa.
Liên bật cười làm tôi cười theo, tôi như trút được tảng đá đè nặng trong tim từ mấy ngày qua. Vui miệng tôi kể chuyện của tôi cho Liên nghe:
- Liên biết cái tên Thạch quỷnh thế nào không? Hắn đúng là mắc dịch ... Hồi Thanh về VN, nhân dịp giỗ vợ chồng em Thanh, hắn mời Thanh đi uống nước, Liên biết đó, hồi xưa tụi mình còn nhỏ, bây giờ gặp lại nhau mừng không hết lấy đâu mà câu nệ. Đứa nào cũng có gia đình, con cái. Liên biết hắn đưa Thanh đi uống nước ở đâu không? Ở cái tiệm gì mà kỳ quặc, không đèn, tối om, vô tiệm được một người cầm nến dẫn đường đến bàn, trên bàn thấy để một cây nến, ngồi từng cặp làm Thanh hoảng quá, la lên:
"- Ủa đi đâu vậy nè ? Thôi đi ra, mắc mớ gì mà lại vào đây? Bộ Sài Gòn không có tiệm nước nào khác hay sao mà chui vô cái tiệm quái đản này, bộ điên hả?"
Hắn mắc cỡ vì tiếng kêu thất thanh của Thanh nên vội vã đưa Thanh ra ngoài, cằn nhằn:
"- Từ từ, cô làm cái gì mà kêu ầm lên vậy ?"
Tức hắn, Thanh bực mình gắt lên:
"- Chứ không phải hả? Đi uống nước mà tự dưng đưa người ta vô cái quán gì mà kỳ cục."...
Nghĩ lại lúc đó tức cười ghê, hắn đúng là mắc dịch, không hiểu hắn nghĩ thế nào mà dám đưa Thanh vào đó. Hai đứa đi uống nước ở một quán khác, ngồi ngoài sân, hắn có vẻ ngượng nên vớt vát bảo Thanh bây giờ thay đổi, không giống ngày xưa ... điên, hắn làm như ngày xưa Thanh là bồ của hắn không bằng ... đúng là khùng.
Liên cười khi nghe tôi kể, Liên nói:
- Hèn chi khi mình về VN, hắn nói về Thanh quá trời ...
Tôi cười theo Liên:
- Liên nói hắn liệu hồn, mai mốt ông xã Thanh về cắt lưỡi hắn cho biết. Hồi Thanh về VN, đâu có nói cho ai biết, hắn biết vì vô tình đến nhà em Thanh chơi, vậy mà khi ông Ánh hỏi, hắn dấu ... hắn còn dám nói với Thanh là ông Ánh bị bịnh ung thư sắp chết, Liên nghĩ xem hắn có dã man không? Bạn bè gì mà ác thế không biết. Đã vậy khi hắn mời Thanh đi uống nước, Thanh nhắc hắn mấy lần là nhớ đưa bà xã theo để Thanh gặp mặt, hắn đâu có đưa, nói chuyện trong điện thoại mà thầm thì như sợ ai nghe, rõ vô duyên, may là hồi ấy Thanh không chịu hắn .
Liên nghe tôi nói bật cười .... Tôi và Liên đi trở xuống cầu, thả bộ dọc theo bãi biển, những kỷ niệm ngày xưa ùa về, tôi kể cho Liên nghe những tối không trăng, đi theo cô Mùi, anh Tuấn, anh em Ánh, con trai bác Thi ở cạnh nhà đi bắt còng. Mấy tên con trai chỉ mặc quần đùi, đốt đuốc đuổi theo những con còng đang cuống quýt chạy ngổn ngang, tìm đường chui xuống những lỗ đã đào sẵn trên cát, nhìn họ vừa cầm đuốc, vừa reo hò như đám mọi ở Phi Châu, trông thật vui, những kỷ niệm đó thật dễ thương trong khi Liên vất vả, ngược xuôi với cuộc đời làm vợ Lính. Chợt nhớ đến Thái, tôi nhìn quanh, không thấy Thái đâu, tôi hỏi:
- Ủa, anh Thái đâu rồi?
- Chắc anh ấy đang ngồi ngoài xe chờ tụi mình.
- Liên với anh Thái quen nhau lúc nào vậy?
- Tụi này quen nhau lâu lắm, có thời gian 2 đứa làm chung, quen mấy năm rồi mới lấy nhau. Khi báo tin cho ông bà cụ biết mình sẽ lấy Thái. Ông bà đâu có cho, bắt mình phải ở vậy thờ chồng nuôi con.
Tôi tròn mắt hỏi:
- Thật không? Thời buổi này mà còn cái màn ấy sao?
- Ừ, ông bà phản đối ghê lắm, muốn mình ở vậy, mình giận quá nên nói với ông bà ..."phải chi ông Hoàng biết lo, biết thương yêu chăm sóc vợ con, thì giờ ông ấy chết, con cũng sẽ ở vậy để thờ chồng, nuôi con ... đằng này ông ấy ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến mình, không biết nghĩ đến vợ con, từ ngày lấy ông ấy cho đến lúc ông ấy chết, bố mẹ thấy con có được một ngày nào hạnh phúc an lành không? Hay lúc nào cũng sống trong sợ hãi, lo âu hồi hộp? Cả cuộc đời con chỉ có nước mắt và oán hận. Thử hỏi như thế thì tại sao con lại phải ở vậy để tưởng nhớ ... bố mẹ bảo con ở vậy để tưởng nhớ, mà tưởng nhớ cái gì ?..." Ông bà im lặng, không phản đối nữa nhưng vẫn không bằng lòng Thái ra mặt. Bây giờ thì ngược lại, trong mấy ông con rể, Thái được lòng bố mẹ mình nhất.
Ngậm ngùi nghe Liên kể, tôi thấy một chút bất nhẫn cho Hoàng, sự chua chát, cay đắng, oán hận trong giọng nói của Liên làm tôi chạnh lòng. Tôi thương cho cả 2 người bạn tuổi nhỏ của tôi vô cùng ... chợt thấy Thái đang đứng phía trên vẫy vẫy tay, chúng tôi bước nhanh về phái Thái.
Vợ chồng Liên đưa tôi trở lại nam Cali, con đường cuối tuần vẫn đông đúc nườm nượp xe cộ. Chúng tôi ghé vào một shopping trên đường, tôi lựa một món quà kỷ niệm cho riêng tôi, những lần đi chơi xa, bao giờ tôi cũng không quên mua cho mình một món đồ nào đó để kỷ niệm nơi tôi đã đến. Vợ chồng Liên cũng không quên đưa tôi ghé thăm vài thắng cảnh trên đường. Về đến Nam Cali trời cũng vừa nhá nhem tối, cả hai đưa tôi đi ăn ở một tiệm ăn Đại Hàn trước khi đưa tôi trở lại nhà bố mẹ đỡ đầu các con tôi, cho kịp chuyến bay thật sớm vào sáng hôm sau.
Lần về VN vừa rồi, có dịp ghé ra Quy Nhơn, Quy Nhơn thay đổi rất nhiều, thay đổi đến không ngờ. Hà đưa tôi đến những nơi mà cô bé nghĩ tôi muốn đến, từ trường học của tôi ngày xưa, cho đến ngôi nhà thân yêu mang số 13 đường Đoàn Thế Khuyến, ngôi nhà của tôi, ngôi nhà mà chị em tôi yêu thích đến nỗi khi ba tôi được lệnh thuyên chuyển vào Nha Trang, chúng tôi đòi hỏi người mua phải thế này, thế nọ, để chúng tôi có thể trở về thăm lại ngôi nhà yêu quý đầy ắp kỷ niệm của mình. Chưa kịp bán thì chiến cuộc xảy ra, bây giờ đứng trước ngôi nhà sập xệ của mình mà thấy muốn khóc, ngôi nhà trước mặt không còn mang một chút nào dấu tích của ngày xưa. Dấu tích kỷ niệm của riêng tôi, của những tối mơ mộng cắn bút làm thơ, hay đứng nhìn hỏa châu sáng rực ở một góc trời bên kia dãy núi. Tôi xót xa nhủ thầm ... một lần ra đi là một lần mất tất cả, mất như tôi đã mất tình yêu đầu đời, mất dần những người bạn thân ái của ngày xưa cũ ...
Hà đưa tôi về thăm mẹ Hà, căn nhà trên núi. Ngày xưa đường lên núi, bụi đỏ mù trời, bên những đống rác thật to, vậy mà ngày nay nhà cửa mọc san sát. Hà chở tôi bằng xe Honda leo lên con đường gập ghềnh như dốc thẳng làm tôi hồi hộp, chỉ sợ xe tuột dốc rơi xuống nên ôm cứng Hà phia sau. Mẹ Hà và các em Hà vẫn nhận ra tôi, mọi người bảo tôi không thay đổi ... tôi đã thay đổi nhiều đó chứ, thời gian nhiều năm như thế, làm sao mà không thay đổi cho được.
Nói chuyện với mẹ Hà một lúc, tôi xin phép lên lầu thắp nhang cho Hoàng. Trên bàn thờ, tôi thấy ảnh anh phóng to để bên cạnh ảnh những người thân đã khuất. Thắp cho anh một nén nhang, tôi rưng rưng khấn nguyện, xin ơn trên hãy an ủi linh hồn anh, hãy đưa linh hồn anh về một nơi bình an, hạnh phúc, nơi không có chiến tranh, bom đạn, nơi không có hận thù, nơi không có cả những lời đay nghiến, oán hận, cho dù thân xác anh đã tan rữa, xương cốt anh đã tả tơi ở một nơi nào đó trong rừng núi, bên khe suối, một nơi không là quê hương mình ...
Nguyễn Thị Tê Hát
Monday, April 30, 2012
Monday, February 13, 2012
Đóa Hồng Trong Ngày Valentine
Ở đây hầu như cứ vài tháng lại có một ngày đặc biệt, không là ngày lễ nên các công, tư sở, trường học vẫn sinh hoạt như thường lệ. Sau Noel, New Year, người ta lại thấy các shopping, các cửa tiệm bắt đầu chưng bày những hàng hóa cũng như quảng cáo cho ngày Valentine. Cái ngày mà người ta nghĩ về nhau, nhớ về nhau để trao cho nhau những cánh thiệp đầy ý nghĩa, với những bó hoa hồng màu đỏ, màu đỏ của trái tim để nói lên tình cảm của chính mình.
Những con gấu nhồi bông kháu khỉnh trắng tươi ôm trái tim màu đỏ vào lòng với hàng chữ "I Love U" xếp đầy trên kệ, trên những nơi có thể đập vào mắt khách hàng. Những đóa hoa hồng đỏ tươi, những quả bong bóng cũng màu hồng, màu đỏ treo lơ lửng trên cao, những quà tặng, những hộp bánh, kẹo..v.v. tất cả đều mang hình trái tim và trên TV cũng đang có những chương trình đặc biệt dành cho ngày Valentine như đang chiếu một phim hoạt họa về 2 con chó đang ăn chung một đĩa spagetti mà khi hết đĩa là một sợi spagetti dài được nối từ miệng con chó này đến miệng con chó kia với những cái chớp mắt e thẹn, ngượng-ngùng trông thật là dễ thương, thật xao xuyến.
Tiếng điện thoại reo vang, chưa kịp cầm lên, đã nghe tiếng hét từ trong phòng:
- Con bắt
Thế là tôi lại bỏ tay ra, phim hoạt họa trên TV đang lôi cuốn, thế nhưng vài phút sau điện thoại lai reo lên inh-ỏi, nhanh tay cầm điện thoại trước khi thằng con kêu lên để bắt chợt nghe được sự đàm thoại của con và bạn:
- Vũ, mày mua bông chưa? Ngày mai Valentine rồi đó
- Chưa, mày mua chưa?
- Rồi, ba tao mới chở đi mua hồi chiều
Thằng con im lặng một lúc rồi lên tiếng:
- Saer! mày có thể nói mom của mày mua giùm tao một cái bông rồi tao sẽ gởi tiền sau được không?
Saer, thằng bạn thân vội nói:
- Không được, mom tao đang giận cả nhà, cả ngày hôm nay không thèm nói chuyện với ai hết, ba với tụi tao không dám đến gần chứ đừng nói là hỏi... hay là mày chạy ra Circle K gần nhà mua được không?
- Không được, tao đang học... vả lại nếu tao đi lúc này, mom tao sẽ hỏi tối rồi còn đi đâu thì làm sao tao trả lời? Nhưng... ở Circle K bán mấy đồng một cái?
- $3.95 một cái, nhưng sáng mai mấy giờ mom mày đi làm?
- Thường thường mom tao đi làm lúc 7g, có khi 7g30... nhưng mà từ nhà tao ra Circle K khoảng bao nhiêu phút mày biết không?
Nghe 2 thằng bé nói chuyện, tôi bắt đầu run trong lòng, con tôi mới có 14t mà đã bày đặt chuyện tặng bông, tặng hoa làm tôi chóng cả mặt, tim tôi đập nhanh, tôi cố giữ hơi thở để im lặng theo dõi câu chuyện của 2 thằng bé xem như thế nào. Nghe con hỏi bạn từ nhà mình đến cây xăng Circle K ngoài đầu đường là bao xa làm tôi tức cười. Thật ra tôi chẳng dám cho các con tôi đi bộ hay lái xe đạp ra ngoài đường lớn bao giờ, đến nhà bạn chơi còn phải gọi ĐT cho mẹ biết là đã đến nơi chưa chứ đừng nói là đi lang thang ngoài đường để đến những nơi như thế. Saer ngẫm nghĩ một lúc rồi lên tiếng:
- Tao nghĩ nếu mày chạy nhanh thì vừa đi vừa về khoảng 20 phút, mày dậy sớm chạy đi mua rồi về đón xe bus đi học là kịp.
Thằng bé ngần ngừ:
- Không được, lúc đó Mom tao còn đang ở nhà, Mom tao sẽ hỏi sáng sớm đi đâu thì làm sao?
- Vậy làm sao mày có bông được? Ngày mai Valentine rồi.
Thằng con giọng yếu sìu:
- Tao cũng không biết nữa...
Im lặng, một lúc sau cuộc đàm thoại về cái bông bị bế tắc vì con tôi vẫn chưa tìm ra giải pháp nào để đi mua bông mà mẹ không hay biết, vì thế cuộc điện đàm đã chấm dứt. Thở ra nhè nhẹ, khẽ bỏ điện thoại xuống mà lòng băn khoăn, lo lắng. Tôi không muốn con trai tôi nói dối, tôi không muốn con trai tôi lén lút... nhưng bằng cách nào?... ngồi thu người trước TV một lúc, đầu óc mông lung, bối rối. Tôi đứng lên đến trước cửa phòng thằng bé gõ cửa :
- Vũ! Vũ đang làm gì đó?
- Dạ con đang làm bài
Tôi nhỏ nhẹ:
- Vũ ra ăn mì với mẹ không? Mẹ nấu luôn cho Vũ nhé!
- Dạ không, mẹ ăn một mình đi, con không đói, con chưa làm bài xong.
Tôi giả bộ:
- Thôi, mẹ ăn một mình buồn lắm, vậy mẹ chờ Vũ làm bài xong ra ăn với mẹ cho vui nhé!
- Dạ cũng được
Một lúc thằng bé đi ra, không nhìn con, vừa đổ mì vào tô, vừa hỏi chuyện:
- Sao ? Ngày mai Valentine, Vũ có gì đặc biệt không? Vũ đã có Sweet-Heart chưa?
- Dạ không có gì đặc biệt hết, con cũng không có Sweetheart nữa, nhưng trong lớp con, có con nhỏ này dễ thương lắm, con muốn cho nó bông nhưng không có, con nhờ Saer hái giùm con cái bông ở vườn nhà nó, nhưng nó bảo mùa đông cây chết hết nên không có cái hoa nào cả.
Nghe thằng bé nói dối tôi cười thầm, vờ không để đến ý những lời nói dối của con, tôi bảo:
- Nếu Vũ muốn có bông mẹ cũng có thể giúp Vũ vậy
Thằng bé sửng sốt nhìn mẹ giây lát rồi hỏi:
- Thật không mẹ? Nhưng mẹ giúp con bằng cách nào?
- Thì sáng mai mẹ chở Vũ đi mua bông trước khi đi học được không? Vũ muốn mua ở đâu? Ở Circle K hay ở Foods Lion?
Thằng bé mở cờ trong lòng, không thèm mua bông ở Circle K nữa, vội bảo mẹ:
- Mẹ, sáng mai mình đi Foods Lion mua được không mẹ?
Tôi gật đầu, thế là 2 mẹ con vừa ăn mì, vừa nói chuyện về bạn bè của nó thật vui vẻ, và tô mì tối hôm đó cũng thật là ngon.
Sáng hôm sau vội vàng chở thằng con đi Home Land. Những bông hồng, cánh thiệp, bong bóng đã vơi đi hẳn. Hoa chỉ còn một vài bó trong tủ kiếng, ở đây không bán từng cái mà lại bán nguyên cả dozen, thế là tôi đành phải mua một bó bông cho con tôi lựa một cái bông đẹp nhất để tặng bạn. Nhìn con hý hửng bước xuống xe, vai đeo kèn, vai đeo cặp, tay cầm bó hoa hồng đỏ được gói bằng giấy bóng với những cành lá dương sỉ mà tôi đã cẩn thận cột nơ màu đỏ khuất sau cánh cửa. Quay sang nhìn những bông hồng còn lại nằm ngả nghiêng trên ghế, tôi chợt mỉm cười, lòng bỗng thấy thanh thản, lâng-lâng với phong cảnh dịu mát bên ngoài, vội phóng nhanh trên đường đi làm cho kịp giờ. Tiếng hát khàn khàn của người ca-sĩ da đen đang phát ra từ radio " You're... so beautiful to me..."
Đang làm, chợt nhớ đến giờ thằng bé đã đi học về, tôi vội gọi điện thoại về nhà hỏi:
- Sao Vũ, Valentine của con thế nào?
Thằng con giọng hớn hở:
- Ồ "cool" lắm mẹ, mẹ biết không? đến giờ tan học, thằng Ranju thấy con vẫn chưa đưa, nó giật lấy chạy đến đưa cho con nhỏ đó nói:
- Happy Valentine, cái này của Vũ...
Con nhỏ đó ngạc nhiên nhìn con cười... mẹ thấy cool không?
Tôi bật cười khi nghe con nói "Cool", chỉ có "cool" thôi mà tôi đã mất ăn, mất ngủ, đã phải bối rối lo lắng để rồi tốn thì giờ, tốn tiền cho con tôi toại nguyện, nhưng chẳng thà như thế còn hơn để thằng bé nghe lời bạn bè lén lút, nói dối thì chết tôi mất. Thế mới biết cái tuổi teenager là cái tuổi làm cho bố mẹ điên đảo, mất ăn, mất ngủ. Cái tuổi muốn làm người lớn nên buồn vui lẫn lộn, tính tình bất nhất, bởi thế lúc nào tôi cũng phải theo sát bên cạnh, lúc nào cũng len lén nhìn vào phòng để xem đời sống của con trai tôi như thế nào. Một hôm bẵng thấy thằng bạn thân của con đến nhà, thằng bạn thân từ khi 2 đứa còn học lớp 2 đến giờ, tôi hỏi:
- Sao lâu quá mẹ không thấy Saer đến nhà mình chơi? bộ con với nó giận nhau hả?
Thằng bé nghe mẹ hỏi, vội nói:
- Dạ đâu có, tại con không thích nó nữa, nó kỳ lắm:
Tôi chợt nghĩ ra điều gì nên lửng lơ bảo:
- Mẹ thấy thằng Saer cũng dễ thương đó chứ, nhưng để mẹ nói Vũ nghe... tình cảm giữa bạn trai với nhau rất bền bỉ, lâu dài suốt cả đời, cho dù khi các con lập gia đình đi chăng nữa vẫn có thể chạy qua, chạy lại giúp đỡ nhau khi cần thiết. Còn con gái trong lúc này chỉ là giai đoạn thôi, vả lại tụi con còn nhỏ, chưa chín chắn, dễ thay đổi nên mẹ chỉ muốn con xem bạn trai, bạn gái giống như nhau để đùa giỡn, chọc ghẹo nhau cho vui... khi nào con ra đại học, con tìm cho con một cô bạn gái thật đặc biệt, lúc đó mới lâu dài được, con biết không?
Thằng bé im lặng không nói, 1 tuần sau trên đường chở con đi học piano, thằng bé bảo mẹ:
- Mẹ nói đúng đó, cái con nhỏ con quen bây giờ nó quen đứa khác.
Tôi mỉm cười:
- Đó con thấy chưa? tại nó cũng còn nhỏ như con vậy, vì thế mình không nên trách, con đồng ý không?
Thằng bé gợi chuyện:
- Mẹ xem, con gái nó kỳ thì thôi, có con nhỏ trong lớp con, nó cứ đi theo hỏi con xem thằng bạn con nói gì về nó? con đã nhất định không nói, nhưng nó cứ bảo là nó muốn nghe, nếu con không nói thì nó sẽ giận... con bắt nó hứa là khi nghe xong không được giận... mẹ biết không? vậy mà khi nghe xong nó giận luôn cả con...
Tôi bật cười trước sự thắc mắc ngây thơ của con:
- Ừ, thì con gái như vậy đó, hồi xưa mẹ cũng vậy... bởi thế con đừng có tin, dù là lời hứa cũng vậy, con không nhớ người ta thường bảo con gái nói không là có, nói có là không sao?
Thằng bé thắc mắc :
- Nhưng em mình nó cũng con gái nhưng đâu có vậy?
- Ừ, thì tại em mình còn nhỏ, em mình mà lớn một tý thì cũng thế thôi
Thằng bé im lặng một lúc rồi lại hỏi tiếp:
- Mẹ! sao con gái Việt Nam ở lớp con dzữ quá, hỏi gì tụi nó cũng nạt hết, con thấy con có làm gì đâu?
Nghe thằng bé than, thấy tội nghiệp thằng con nhưng cũng tức cười:
- Mẹ nghĩ có thể con vô tình làm điều gì đó nên mấy cô ấy tự ái, giận con, nhưng sao con không hỏi thẳng là con đã làm điều gì để mấy cô ấy phải giận?
Thời gian trôi qua nhanh, thấm thoát con trai tôi đã lên lớp 10, đã rành rẽ hơn, tế nhị trong cách giao thiệp hàng ngày, đã chững chạc hơn và cũng làm tôi điên đầu vì những cái bất chợt, những cái kỳ quặc của nó.
- Hôm nay Vũ đi học, có gì lạ không con?
- Dạ không, vẫn bình thường
- Thế trưa nay có ăn không?
- Dạ không, tại con mắc bận
Tôi ngạc nhiên:
- Vũ làm cái gì mà bận đến không ăn trưa? bộ mắc học hả?
Thằng bé ngây thơ vui vẻ trả lời mẹ:
- Dạ không? con mắc làm cái việc galant đó, mẹ biết galant là gì không?
Nghe thằng bé cắt nghĩa bằng tiếng Việt làm tôi tức cười nhưng cũng thắc mắc vì cái việc bận làm galant của con:
- Galant! con làm gì mà phải làm "cái việc galant"?
- Dạ con đưa bạn con đến lớp học?
Tôi không bằng lòng:
- Bộ nó là bạn gái của con hả?
- Dạ đâu có, đứa nào con cũng làm như vậy cả... mẹ biết không? mấy đứa con gái trong lớp gọi con là Romeo đó mẹ.
Tôi sững sờ trước cái "galant" của con, tôi nhăn mặt:
- Vũ, mẹ nói Vũ nghe... Ở trường học hay chỗ làm việc, nam nữ bình quyền, ai cũng giống ai, không có vấn đề galant như vậy. Như mẹ đi làm, đâu có ai mở cửa hay kéo ghế cho mẹ ngồi? ở trường học cũng thế, con chỉ galant khi nào con đi ra ngoài hay vào tiệm ăn thì con mới nên mở cửa hoặc kéo ghế cho người ta ngồi... chứ còn đi học, hay đi làm đều giống nhau cả, mẹ thấy con galant như vậy không được.
Nói thế vẫn chưa đủ, đêm vẫn tức anh ách đến không ngủ được vì cái học làm người lớn không đúng chỗ của con. Sáng sớm tôi lại phán một câu cuối cùng trước khi ra khỏi nhà:
- Vũ, từ nay về sau mẹ không muốn con làm cái chuyện galant đó nữa nghe không? buổi trưa là phải ăn chứ không được nhịn... Mẹ nói là mẹ không bằng, lòng nghe rõ chưa?
Thấm thoát lại đến ngày Valentine, ngày đẹp nhất trong năm. Tất cả các nơi lại bày bán những quà tặng mang ý nghĩa của ngày Valentine. Lại những con gấu trắng tinh ôm những trái tim vào lòng, những chiếc áo, những chiếc quần, kể cả quần jean, đến những hộp kẹo chocolate, hộp bánh cũng vẫn muôn đời mang hình trái tim. Những bó hoa hồng màu đỏ thẫm, đã chiếm một chỗ lớn trong các cửa tiệm. Những tấm thiệp gởi cho nhau được lồng bên trong những lời lẽ thương yêu đầy ý nghĩa, thật xúc động người đọc, và điện thoại nhà tôi cũng reo nhiều hơn, bận nhiều hơn, chung quanh cũng lại những đóa hoa hồng và những người đẹp bé con nhận hoa trong ngày Valentine. Chỗ tôi làm cũng vậy, những chiếc xe đi giao hàng cũng ra vào tấp nập hơn, với những bình hoa hồng đỏ hay những chùm bong bóng trắng đỏ bay dập dềnh bên nhau mang hình những trái tim lơ lửng. Bạn bè tôi cũng cũng rộn rã tíu tít hơn mọi ngày với những chương trình đặc biệt buổi tối. Cả tiệm ăn cũng đông khách hơn, đặc biệt hơn mọi ngày. Giờ này, tôi biết con gái bé nhỏ của tôi cũng đang hớn hở miệng nhai đầy kẹo, tay đếm những tấm thiệp Valentine vừa trao cho nhau trong lớp học, bên cạnh những bánh kẹo vung vãi trên bàn, và con trai tôi giờ này chắc cũng đang vui cười đùa giỡn với bạn bè trong ngày đặc biệt.
Vừa ngừng xe trước cổng trường, con trai tôi một vai đeo kèn, một vai đeo cặp, một tay cầm bó hoa đến bên mẹ mở cửa. Nhìn đóa hoa hồng đỏ xen lẫn những cành hoa trắng nhỏ li ti được nằm gọn gàng giữa 2 cánh lá to dương sỉ, được gói tất cả bằng một loại giấy bóng gương với những hình trái tim màu hồng lạt trông thật đẹp mắt, nhìn bó hoa tôi ngạc nhiên hỏi:
- Ủa, sao con chưa đưa cho bạn?
Thằng bé nhoẻn miệng cười tươi, trao bó hoa cho mẹ và bảo:
- Không, cái này con mua tặng mẹ... có phải mẹ nói là mình chỉ tặng hoa cho người nào thật đặc biệt phải không?
Tôi tròn mặt nhìn con ngạc nhiên, buột miêng kêu lên:
- Oh!... thank you!
Cầm bó hoa trên tay, lòng tôi nghẹn ngào xúc động... một nỗi vui ùa đến, một hạnh phúc, một ấm áp trong lòng... bầu trời như cao thêm, đường về như thênh thang hơn... tôi nhủ thầm..."không ngờ mình cũng có một đóa hoa trong ngày Valentine!..."
Nguyễn Thị Tê Hát
Thursday, February 2, 2012
Xa Người
Biển chiều gió lộng
Một mình em đi
Giữa chiều biển vắng
Thương mình ... chim di !...
Một mình em đi
Giữa chiều biển vắng
Thương mình ... chim di !...
Nguyễn Thị Tê Hát
Monday, January 30, 2012
Người Thương Nhiều!... Nhưng Thương Người Thì Ít !
Người Thương Nhiều!...
Nhưng Thương Người Thì Ít !...
Nghe người nói, lòng bỗng dưng xao xuyến
Một chút gì, vướng víu thuở còn thơ
Mắt nai ngây tròn, thuở bé dại khờ
Nên đâu biết, tình ai còn vương vấn
Nếu ngày xưa, đã một lần quyến luyến
Thì kiếp này, xin hẹn lại kiếp sau
Tình không tròn, nên tình mãi lao đao
Nơi xứ lạ... Nỗi buồn, em câm nín
Tình không trao, sao tình giờ lên tiếng?
Tình không nợ nần, chẳng nghĩa phu thê
Để trăm năm, tình vẫn mãi ê chề
Khi nhớ đến, một thời em mắt biếc
"Người thương nhiều, nhưng thương người thì ít"
Câu nói này, sao mai mỉa hôm nay
Nếu ngày xưa, người cứ nói "yêu em"
Thì có lẽ, cuộc đời không đôi ngã
Người bên kia, nỗi lòng hiu quạnh quá
Em bên này, trống vắng một niềm đau
Người và em như hai hướng địa cầu
Đuổi bắt mãi... một đời không bắt gặp...
Nguyễn Thị Tê Hát
Wednesday, January 18, 2012
Chúc Tết Đầu Năm...
Ngày mai năm mới, đó anh yêu!
Anh chúc gì em? Nhớ chúc nhiều
Chúc em tươi thắm, thôi buồn tủi
Cho tiếng cười dòn, đỡ hắt hiu
Này đây rượu đỏ, uống cùng em
Ta hãy cùng nhau, sớt nỗi niềm
Chia đôi hạnh phúc, quên rạn vỡ
Quên cả một lần, em đớn đau
Em sẽ cố quên, chuyện tủi hờn
Tháng năm ròng rã, chuyện đau thương
Em thôi viết tiếp, bài thơ nuối
Một thời dĩ vãng, tuổi thanh xuân
Em sẽ cố quên, chuyện bẽ bàng
Những lần tựa cửa, mắt vương mang
Những lần tầm tã, cơn mưa đổ
Là lúc lòng em, thấy ngỡ ngàng
Đêm nay anh nhé, đón xuân sang
Bên ngoài pháo đỏ, nổ rền vang
Trong tim hai đứa mình hạnh phúc
Để em thôi thấy xuân võ vàng
Nguyễn Thị Tê Hát
Phiên Chợ Cuối Năm
Ngày mai anh nhé chợ cuối năm
Nhớ ghé mua giùm nỗi băn khoăn
Cuả ngày tháng lạ treo bày bán
Bên những bài thơ quá muộn phiền
Ngày mai em sẽ bán thơ em
Bán những bài thơ chứa nỗi niềm
Bán những giọt sầu rưng rức khổ
Thắm ướt nỗi lòng đã bao năm
Này đây đoản khúc viết từ lâu
“Biển Nhớ” ngày xưa, nhớ bạc đầu
Có người năm ấy không về nữa
Bỏ lại mình em một nỗi đau
Này đây sầu gánh “Nỗi Buồn Tôi”
Trĩu nặng hai vai giữa chợ đời
Con tim ngày ấy giờ thôi đỏ
Bởi máu không nhiều dẫn về tim
“Những Giọt Buồn Rơi” anh biết chăng
Như giọt mưa đêm rớt bên thềm
Như giọt rượu nồng cay lòng xé
Đắng chát môi mềm lúc nửa đêm
Này đây văn tự em cũng sang
Cũng bán đi thôi “Biệt Thự” mình
Một nơi thanh vắng, tường cao kín
Có hoa, có lá phủ hàng hiên
Anh nhớ mua giùm em nhé anh
“Biệt Thự” này đây, thế giới riêng
Những khi em khổ, em buồn chán
Giam kín một mình trong bóng đêm
Ngày mai phiên chợ họp cuôí năm
Hy vọng người mua chẳng ngại ngần
Anh nhớ ghé giùm mua tất cả
Mua cả giùm em nỗi lênh đênh!...
Nguyễn Thị Tê Hát
Xuân Về Giữa Hư Hao
Xuân đến xuân đi giữa lạnh lùng
Để lòng héo hắt tựa thu phong
Mai vàng hoa nở đâu còn thấy
Chỉ thấy chung quanh một nỗi buồn
Ngẩn ngơ tựa cửa đón xuân sang
Mù mịt chân mây nỗi mênh mang
Hồn thơ hiu quạnh ai nào biết
Chỉ biết cuộc đời vẫn sang trang
Lung linh ánh nến tỏa trong đêm
Soi bóng mình ta với nỗi niềm
Loang loáng quanh rèm mi chợt ưót
Nghe tình réo gọi cõi cô miên
Xuân đến làm chi để lòng đau
Cho người viễn sứ lại thêm sầu
Soi bóng dung nhan giờ héo uá
Chỉ thấy xuân về giữa hư hao
Nguyễn Thị Tê Hát
Nỗi Buồn Đêm Đen
Trời khuya bóng tối phủ bên ngoài
Giữa đêm trừ tịch lắng hồn ai
Gió về lạnh lẽo vi vu thổi
Ve vuốt nỗi sầu bóng liêu trai
Tự độ bao giờ tay trắng tay
Không còn lưu luyến giấc mơ đầy
Chỉ còn trái đắng treo hờ hững
Bên cạnh cuộc đời như bóng mây
Lòng đã khi nào thành vũng sâu
Mà nghe tê tái ngập hồn đau
Để trong tĩnh lặng không gian ấy
Quay quắt một mình giữa xanh xao
Đêm nay le lói ánh trăng cao
Chênh chếch mờ soi một lối vào
Góc nhỏ riêng mình đôi mắt đỏ
Cuộn kín đời mình giữa hư hao
Nguyễn Thị Tê Hát
Xuân Viễn Xứ
Tóc Em
Subscribe to:
Posts (Atom)