Friday, August 5, 2011

Tản Mạn Với Thầy!.... Một Thời Áo Trắng



Mấy hôm trước em đọc được những tâm tư của thầy, mở đầu cho sự góp mặt của trường TH Trinh Vương Qui Nhơn trên thế giới ảo, tự dưng em muốn viết tiếp nối những gì của thời áo trắng mà thầy chưa nói đến.

Thầy đừng la em nhé, thầy đừng bảo con bé nào "hỗn láo" dám xưng "EM" thay vì phải xưng "CON" với thầy, hay là nó giả dạng là học trò của thầy ngày xưa? Không, em là học trò thật của thầy đó thầy ạ. Con bé có biệt danh là "mít ướt" hay ngồi đầu bàn phía trên, thầy có nhớ không? Cái biệt danh ở nhà lẫn ở trường mà em rất ghét, tuy em đã cố mà không sao thay đổi được.

Sáng nay ngồi viết những giòng chữ này, nhớ đến hình ảnh thầy đi giữa một đám con gái áo dài trắng tinh, trông thầy quá trẻ, nhìn vào ai nghĩ đó là ông thầy dậy Việt Văn của tụi em? Ai nghĩ đó là Giáo sư nổi tiếng của thành phố bé nhỏ hiền hòa Qui Nhơn ngày xưa ? Thầy trẻ như thế mà các sơ cứ bắt tụi em phải xưng là "CON" với thầy, nghe không "được" tý nào. Người mà tụi em phải xưng "CON", em nghĩ chỉ với thầy BA, Giám Thị mà thôi, nói đến đây chợt nhớ đến đôi kính cận nghiêm khắc của thầy Ba, không biết thầy bây giờ thế nào hả thầy? Oh, viết đến đây em chợt hiểu tại sao các sơ lại bắt tụi em phải xưng "CON" với thầy rồi ... chắc Sơ Hiệu Trưởng và các sơ đã đọc truyện "Vòng Tay Học Trò" của Nguyễn Thi Hoàng nên "hoảng" quá, sợ đám con gái tụi em lãng mạn nghiêng chao việc học hành chỉ vì ông thầy dậy Việt văn đẹp trai, trẻ trung, khéo ăn nói, khéo giảng dậy nên nhất định bắt đám con gái tụi em phải xưng "CON" với thầy cho chắc ăn, mà thầy cũng không được "ấm ớ". Hôm qua, nhỏ bạn cùng lớp ngày xưa nói: "Ổng hay thật, ở giữa một đám con gái nhởn nhơ như vậy mà không... có gì ..." câu nói của nó làm em tức cười: "làm sao mà dám "có gì", sức mấy mà dám trong khi đôi mắt "cú vọ" của các sơ canh chừng nghiêm ngặt cả thầy lẫn trò?

Đấy, em đã "rào trước đón sau" để biện minh cái lý do "tại, bởi, vì" sao em xưng "EM" với thầy rồi đó nhé, tuy em biết rằng sự vùng lên cách mạng của em ngày hôm nay đối với thầy quá trể. Nhưng Trễ hay sớm cũng chẳng có gì quan trọng, vì em ngày ấy vẫn là con bé ngu ngơ, dại khờ, thích ăn hàng, đuổi bắt nhau mà không, hay chưa bao giờ để đầu óc vẫn đục qua những chuyện tình lãng mạn dưới mái trường Trinh Vương, tuy chính Thầy là "thủ phạm" đã làm em mất đi một cuộc tình hờ ngày ấy.

Chắc thầy không nhớ em đâu, em là một trong những con bé lưng chừng ở giữa ngoan và nghịch, con bé hay ngồi ở bàn gần đầu cho thầy có cơ hội ngồi lên kể chuyện thần thoại "Ngàn Lẻ Một Đêm" mà thầy đã mê hoặc đám con gái tụi em say mê đi vào cái thế giới huyền bí Ai-Cập qua chuyện tình của ông vua bà chúa. Tụi em chờ đợi được nghe qua giọng kể hấp dẫn của thầy vào những phút còn lại sau giờ học trước khi tan trường. Những lúc thầy sắp sửa ghé ngồi lên bàn em, em đưa 2 cánh tay che mặt bàn kêu lên: "Thầy cứ ngồi trên bàn nên con học ngu, thầy đừng ngồi nữa ..." Lúc đó thầy cũng kêu lên "... ơ hay, cái con này, có xích vào trong không ?"

Đấy, thầy đã tự xây một bức tường kiên cố cho chính thầy giữa đám con gái học trò "mởn mơ" của thầy, bằng "mày mày, tao tao" hoặc "chúng mày ..." để nhắc nhở chính thầy, nhắc nhở các học trò của thầy cái cương vị thầy, trò mà không được bước ra ngoài cái vòng tròn đã ấn định.

Em nhớ lúc đó có phong trào chụp ảnh ghép bản nhạc, hầu như đứa nào cũng có và tiệm chụp ảnh Quang lúc bấy giờ thật đông khách. Các sơ, thầy đã đi một đường giảng dậy là không nên chụp ảnh riêng, lỡ làm rơi, tụi con trai nhặt được sẽ mang hình đi rêu rao là bồ của nó thì không hay. Thầy nói tụi em "đi học là đi học, không nên bồ bịch, nếu tên con trai nào viết thư cho mình, thì mình nên dùng giấy học trò viết thư trả lời, để chứng tỏ cho ông hay ch anh biết là tôi còn đang đi học ...". Thời gian đó còn có phong trào chép thơ Lệ Khánh, Nhất Tuấn, Lý Thụy Ý, hầu như đứa nào cũng có tập thơ để ghi chép những bài thơ mình thích ... trong đó có bài thơ nói về hoa pensée, tên gì em không nhớ, chỉ biết là thầy đã dậy tụi em rằng "người ta dùng hoa pensée để tỏ tình, mà mình thì con đang đi học... " thế là những lời giảng dạy của thầy đã đi vào đầu óc con nhỏ ngu ngơ như em..

Trong một lần cúp cua, cả bọn kéo ra Ghềnh Ráng chơi, trong lúc chờ xe đến đón, mấy đứa rủ nhau vào một căn nhà gần đó xin nước uống, chủ nhà là một học sinh kỹ thuật. Anh chàng đẹp trai có đôi mắt buồn, và có một cái tên cũng đẹp nữa, tên "Ý Yên". Thấy em say mê đứng nhìn tủ sách, toàn là truyện của Tự Lực Văn Đoàn, em cứ cầm lên bỏ xuống mà không dám mượn. Anh chàng thấy vậy đã cho em mượn đem về đọc. Sau vài lần ghé qua nhà mang sách cho em. Sau cùng, anh chàng không mang sách của Tự Lực Văn Đoàn mà lại đưa cho em một cuốn truyện kiếm hiệp, một loại truyện lúc ấy em không thích mấy, đến nỗi con bạn bên nhà cứ lôi em sang kể chuyện cho em nghe, nghe đến đoạn hấp dẫn nó chơi ác không thèm kể nữa. Em ngẩn ngơ nghe xong và hỏi: "sau đó rồi sao?", nó tàn nhẫn đứng lên phán: "mày thích thì đi kiếm truyện đọc đi ..." thế mà vẫn không lôi cuốn được em bằng những truyện viết của các nhà văn tiền chiến, thế mà anh chàng lại đem đến cho em một cuốn truyện kiếm hiệp, bên trong là một cái thiệp với cánh hoa pensée màu tim tím thật đẹp. Phải chi anh chàng cứ bỏ cái thiệp hoa pensée vào một quyển truyện Tự Lực Văn Đoàn nào đó, thì có lẽ em sẽ chẳng thẳng thừng nghe lời thầy, để lấy một tờ giấy học trò ... không, em không lấy mà xé nửa tờ giấy học trò và dùng viết chì viết "ông đừng đến nhà tôi nữa ...", eo ơi, sao em ngu thế hở thầy? Sao em nỡ lòng nào mà viết một câu vô ý thức đến thế hả thầy? Đúng là con nít, thầy nghĩ em có nên bắt đền thầy không đây? Thầy à, Nếu như ngày ấy em không viết ngốc nghếch như vậy biết đâu cuộc đời em đã đổi khác ... Ừ biết đâu, đời có nhiều cái biêt đâu ghê đi thầy ơi!

Thầy kính mến,

Qua sự giảng dậy của thầy, tụi em được biết về thế giới tây phương, từ một địa danh tuyển lựa hoa hậu thế giới trên bản đồ, cho đến những người đàn bà lừng danh kim, cổ, đến những trận đánh lịch sử của các danh tướng, kể cả lời nguyện kinh hằng đêm của tướng McArthur.... Thầy như một thuyền trưởng đã lèo lái con thuyền Trinh Vương, đã đưa đám học trò của thầy theo sự hiểu biết rộng rãi của thầy, chính sự dậy dỗ đó đã ảnh hưởng đến đời sống các tà áo trắng không nhiều thì ít hôm nay. Trong đó có em, sự giảng dạy của thầy đã đi vào tiềm thức, đã ảnh hưởng đến những con chữ của em mà qua những bài viết của em nếu thầy đọc được, chắc chắn thầy sẽ tìm thấy hơi hướng chữ nghĩa giảng dậy của thầy ngày xưa, để hôm nay em xin phép được viết lên những giòng chữ này như một lời cám ơn của cô học trò bé nhỏ, dại khờ thơ ngây ngày nào. Em xin được nghiêng mình cám ơn thầy, cám ơn những giờ việt văn, những tư tưởng rộng lớn của thầy đã chia xẻ với đám con gái tụi em, và chính những năm học dưới trướng của thầy mà em đã là một "Nguyễn Thị Tê Hát" của ngày hôm nay.

Kính chúc Thầy và gia đình luôn an lành.


Nguyễn Thị Tê Hát

No comments:

Post a Comment